Thu nhập thấp, khó nâng cao chất lượng giảng dạy

Thu nhập thấp, khó nâng cao chất lượng giảng dạy

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, từng tuyên bố đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương. Trên thực tế, thu nhập chủ yếu của giáo viên vẫn là lương dù lương còn thấp. Tình hình này những năm qua không có nhiều thay đổi, thậm chí có lúc có nơi còn có chiều hướng xấu hơn, tức là công việc ngày càng nhiều hơn nhưng thu nhập không tăng thêm hoặc có tăng lên vẫn không kịp so với trượt giá.

Giáo viên Đỗ Thị Kim Định Trường THPT Lương Văn Can (quận 8) hướng dẫn học sinh lớp 12A3 ôn thi môn Địa lý. Ảnh: Mai Hải

Giáo viên Đỗ Thị Kim Định Trường THPT Lương Văn Can (quận 8) hướng dẫn học sinh lớp 12A3 ôn thi môn Địa lý. Ảnh: Mai Hải

Chẳng hạn, bồi dưỡng dạy buổi thứ hai cho giáo viên ở các lớp bán trú vẫn chỉ là 70% của 30.000 đồng /tháng/học sinh trong suốt nhiều năm qua (30% còn lại chi cho quản lý, tức là với một lớp 40 học sinh, giáo viên chỉ nhận được thêm khoảng 400.000 đồng/tháng cho 1/2 thời gian làm việc). Hay theo quy định, mỗi lớp chỉ có 35 học sinh nhưng  ở nhiều trường gần 50 học sinh, nhưng trước tốc độ xây dựng trường lớp hiện nay thì tình hình được cải thiện rất chậm. Như thế giáo viên phải làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập không được tăng thêm.

Một bộ phận giáo viên phải tìm công việc làm thêm để có thêm thu nhập; một bộ phận khác phải tìm cách dạy thêm và biến giáo dục thành một hoạt động mua bán. Một số trường hợp cố gắng tìm cách nâng cao thu nhập cho giáo viên đã “vẽ” thêm nhiều khoản thu ngoài quy định, như tăng mức dạy buổi thứ hai, tăng mức phí bán trú, tăng tiền ăn, các khoản “sổ vàng”, “tự nguyện” - thực chất là những hình thức ép buộc phụ huynh… Thậm chí những giáo viên có điều kiện kinh tế gia đình thuận lợi, không sống bằng thu nhập từ dạy học, cũng khó kích thích họ đầu tư cho công tác giảng dạy bởi “có làm nhiều thì thu nhập cũng thế”.

Trong điều kiện đó, giáo viên thật khó toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người, để trở thành "kỹ sư tâm hồn" đúng nghĩa. Sự chăm chút cho từng bài kiểm tra, sự đầu tư cho từng bài giảng hay bài thi, sự ân cần tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh… e khó thực hiện. Nhiều người cố gắng hoàn thành giáo án, chương trình trong giờ theo quy định chứ khó đòi hỏi họ phải đầu tư cả ngoài giờ hay các buổi ngoại khóa. Thậm chí, có người tìm cách đối phó với các đợt kiểm tra, thanh tra, chống chế các góp ý, phê bình để rồi “đâu lại vào đấy”. Từ đó, những lỗi nhỏ trong kiến thức, nhận thức, đạo đức của học sinh không được phát hiện kịp thời để uốn nắn, khắc phục; những khó khăn, rủi ro của học sinh không được giúp đỡ đúng lúc; những tài năng nổi bật của học sinh cũng không được khơi gợi, bồi dưỡng đúng mức… Nghề giáo ít nhiều có biểu hiện như một công việc bình thường như những công việc khác.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, điều quan trọng là phải nâng cao thu nhập cho giáo viên bằng cách tính hệ số giáo viên cho phù hợp với mức tăng từng bậc và thời gian nâng bậc hợp lý hơn. Đồng thời, cần thiết nghiên cứu tính thu nhập theo sĩ số học sinh và vùng miền để không còn tình trạng giáo viên dạy nhiều, chấm bài nhiều mà không được tăng thu nhập và không có sự cách biệt lớn thu nhập giữa khu vực trường tư và trường công, giữa thành thị và nông thôn. Ngoài ra, cần có các biện pháp hỗ trợ để giáo viên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (như giảm giờ lên lớp định mức, tặng học bổng, hỗ trợ học phí theo thành tích học tập…), có học bổng khuyến tài hợp lý cho những giáo viên xuất sắc…

Trong tình hình hiện nay, cần thiết phải tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục. Ở tầm vĩ mô, nhà nước cần điều tiết các nguồn chi để tăng mức chi cho giáo dục, trong đó chú trọng đúng mức khoản chi cho thu nhập của giáo viên. Tất cả những điều đó phải góp phần đặt vị trí của thầy giáo đúng cả “tiếng” lẫn “miếng” để ngành sư phạm trở thành một ngành thu hút được sinh viên giỏi thay vì cứ luẩn quẩn tâm lý “chuột chạy cùng sào”!

TRÚC GIANG (quận 3)

Tin cùng chuyên mục