Chiều nay 12-7 tại Hà Nội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trên cả nước năm 2018.
Báo cáo tại buổi công bố, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn lên tiếng, người lao động hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn dù có cải thiện hơn so với năm 2017. Trong khi mức chi tiêu lên tới 7,38 triệu đồng/tháng thì mức thu nhập trung bình chỉ có khoảng 5,5 triệu đồng.
Theo báo cáo, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-6-2018 tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó ngành dệt tăng 10,9%.
Một số địa phương tăng cao: Cần Thơ tăng 23,2%; Hải Phòng tăng 14,0%; Đồng Nai tăng 5,5%: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,8%. Lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,2%; doanh nghiệp ngoài nhà nước (dân doanh) và FDI đều tăng 3,5%.
Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, 6 tháng có gần 64.500 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% số doanh nghiệp và tăng 8,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017, thu hút trên nửa triệu lao động. Các doanh nghiệp đang hoạt động tăng vốn khoảng 1.200 nghìn tỷ đồng. Có 16.500 doanh nghiệp phục hồi quay trở lại hoạt động. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2,2% không tăng so với năm 2017.
Tuy nhiên qua số liệu khảo sát hơn 3.000 công nhân trên khắp cả nước cho thấy bức tranh hiện nay như sau:
Về mức chi tiêu, qua số liệu xử lý phiếu khảo sát năm 2018, có 2.885 người lao động đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương, cho thấy mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng.
Mức chi tiêu tối thiểu: Với các hộ gia đình các vùng lương có số nhân khẩu tương ứng ở trên thì mức chi tiêu thấp nhất (tối thiểu) là 6,57 triệu đồng; vùng I là 7,3 triệu đồng; vùng II là 6,76 triệu đồng; vùng III là 5,8 triệu đồng; vùng IV là 5,75 triệu đồng.
Trong khi đó, mức thu nhập của người lao động như sau: Tổng thu nhập trung bình (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của người lao động. Trong đó, tại doanh nghiệp FDI tỷ lệ này chiếm 77,3%; giày da, chiếm 80,5%; cơ khí, chế tạo kim loại là 75,5%; điện, điện tử là 78,6%; dệt may 81,4%. Mức chênh lệch giữa tiền lương thấp hơn thu nhập tại các DN chế biến nông lâm thủy sản, giao thông – xây dựng, dịch vụ thương mại chỉ khoảng 8 -9%; DNNN chỉ khoảng 6 %, thấp hơn so với chênh lệch ở các DN dân doanh (15,6%). Nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống người lao động.
Về đời sống, qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.
So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả như sau: 17,4% người lao động cho biết có dư và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.
So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư đật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, đa số người lao động cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.
Theo báo cáo của Công đoàn KCN và KCX TPHCM năm 2018, khi khảo sát 11 doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp Linh Trung I, nơi có đông công nhân thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí, với quy mô 37.600 lao động, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300 nghìn đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% có không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Theo khảo sát cho thấy ý kiến của người lao động vẫn còn bức xúc, nhất là tỷ lệ người lao động cho rằng mức tiền lương còn thấp và không có, hoặc có ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập bảo đảm cuộc sống. Các nội dung khác, tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của người lao động với các nội dung liên quan. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xẩy ra.
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.
Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, người lao động cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỷ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỷ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.