Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM vừa có văn bản đề nghị UBND TPHCM cho phép phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán tính khả thi về mặt kinh tế - môi trường - xã hội, thích ứng với BĐKH trong việc thu gom, tái sử dụng nước mưa như là một trong những giải pháp quan trọng góp phần chống ngập và tiết kiệm nước sạch cho TP.
Nước mưa ở TPHCM rất sạch
“Nước mưa ở TPHCM rất sạch”, đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TPHCM. “TPHCM hiện có khoảng 500.000 ô tô, đa phần trong số này đã đảm bảo tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn Euro 2; trên 5 triệu xe gắn máy nhưng trong đó có nhiều xe phân khối nhỏ, lượng khí thải không nhiều… Hoạt động sản xuất công nghiệp của TP cũng chưa phát triển mạnh như nhiều TP công nghiệp khác trên thế giới. Do vậy, nước mưa ở TP cơ bản sạch, không chứa nhiều chất thải độc hại” - Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt lý giải. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH có quyết định nêu trên.
Xây dựng các hồ chứa nước mưa sẽ giúp thành phố có thêm một lượng nước sạch lớn. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Mặt khác, TPHCM có mùa mưa dài (6 tháng/năm) với lượng mưa tương đối dồi dào (1.800mm - 2.200mm/năm). Chưa kể, dưới tác động của BĐKH, những cơn mưa lớn có vũ lượng trên 100mm ngày càng nhiều. Trong khi đó, cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân TPHCM ngày một tăng cao. Hiện nay, TPHCM đang phải triển khai xây dựng thêm Nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn 2 với công suất 300.000m3 nước ngày/đêm, với chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Công tác phát triển mạng cấp nước mới trị giá nhiều tỷ đồng khác cũng đang phải liên tục thực hiện bởi tốc độ đô thị hóa ở nhiều quận ven, huyện ngoại thành đang diễn ra mạnh mẽ. Nước mưa sạch có thể là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân, hỗ trợ cho nước sạch sản xuất tại các nhà máy. Nước mưa lại không tốn phí vận chuyển… Vậy tại sao không thể nghiên cứu sử dụng nước mưa để giảm gánh nặng cho công tác đầu tư sản xuất và phân phối nước sạch? Bước đầu, có thể chỉ dùng nước mưa để tưới cây, lau chùi nhà cửa… Về lâu dài, nếu được lắng lọc, bảo quản đúng quy chuẩn, vào mùa mưa, nước mưa có thể thay thế một phần nước sạch được sản xuất trong các nhà máy.
Một công đôi việc
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tình hình ngập tại TPHCM ngày càng nặng nề là phần lớn hệ thống cống thoát nước mưa vừa được lắp đặt của 3 trong tổng số 5 lưu vực thoát nước lớn của TPHCM đã trở nên lạc hậu so với diễn biến bất thường của thời tiết. Hiện nay hệ thống cống thoát nước của ba lưu vực lớn này là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé đều được thiết kế với công suất chịu đựng được những cơn mưa có vũ lượng khoảng 75mm trong thời gian mưa 3 giờ. Tuy nhiên, những cơn mưa có vũ lượng lớn và thời gian mưa ngắn hơn đang xuất hiện ngày một nhiều ở TP. Ba lưu vực này lại chiếm đến khoảng 70% diện tích của TP. Do vậy, nhận xét về đề xuất của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TPHCM, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc chuyên trách công tác chống ngập nước của Sở GTVT TPHCM, cho rằng đây là ý tưởng hay. Tuy nhiên, thực hiện công tác thu gom nước mưa như thế nào thì không hề đơn giản!
Hiện nay, đa phần mái nhà của người dân TPHCM nhọn, dốc, nếu đặt thùng (nhựa) gom nước lên đó thì gần như không thể. Nhà mái bằng, đặt thùng lên, khả thi hơn nhưng… gom nước vào thùng ra sao? Cũng không dễ tính. Đặt thùng ở dưới đất, trên hoặc dưới sân nhà của người dân, khả thi hơn nhưng muốn người dân hưởng ứng, TP phải có cơ chế hỗ trợ, ông Lê Hoàng Minh nhận định. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và BĐKH thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, cũng rất hoan nghênh đề xuất của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TPHCM. Tuy nhiên, ông Hồ Long Phi cho rằng, việc thu gom nước mưa trong các hộ dân phải đặc biệt lưu ý đến mục tiêu giảm tải cho hệ thống cống thoát nước mưa đang quá tải. Điều này có nghĩa, trong mùa mưa, sau mỗi cơn mưa, bể chứa nước mưa trong nhà dân sẽ phải xả bỏ nước liên tục để chuẩn bị cho việc trữ nước từ những cơn mưa sau đó. Mục tiêu dùng nước mưa thay thế cho nước sạch, vì thế có thể bị ảnh hưởng. Việc trữ nước mưa để sử dụng, hỗ trợ cho việc sản xuất nước sạch cần có những nghiên cứu sâu hơn. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi cũng cho rằng, nếu muốn người dân tham gia xây hồ chứa nước trong nhà, TP cần có cơ chế tài chính hỗ trợ. Việc này nên được coi như là một trong những giải pháp chống ngập hiệu quả để TP có thể lập thành dự án, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Nguyễ̃n Khoa