Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, việc thu phí sử dụng đường bộ sẽ chính thức bắt đầu với các mức thu được điều chỉnh thấp hơn khá nhiều so với dự kiến và giảm dần sau mỗi năm. Tuy nhiên, việc áp dụng thu phí trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn vẫn khiến dư luận không ít lo ngại. Đặc biệt, hình thức thu phí qua đầu phương tiện đang làm đau đầu không ít chủ xe.
Mức phí giảm dần theo năm
Theo thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, mức thu đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký tên cá nhân sẽ là 130.000 đồng/tháng, thấp hơn 50.000 đồng/tháng so với mức dự kiến. Đây cũng là mức thu thấp nhất đối với loại hình phương tiện ô tô. Mức phí cao nhất, được áp dụng cho xe tải và xe chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên là 1,04 triệu đồng/tháng hoặc 12,48 triệu đồng/năm. Trước đó, mức thu dự kiến là 1,44 triệu đồng/tháng hoặc 16,76 triệu đồng/năm.
Cũng theo nội dung thông tư này, các mức thu sẽ giảm dần sau mỗi một năm. Chẳng hạn mức thu của mỗi tháng năm thứ 2 (từ tháng thứ 13 đến tháng thứ 24 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 92% mức phí của mỗi tháng năm thứ nhất. Mức thu của mỗi tháng năm thứ 3 (từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 30 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 85% mức phí của mỗi tháng năm thứ nhất.
Với phương tiện xe máy, loại xe có dung tích xilanh từ 100cm³ trở xuống là 50.000 - 100.000 đồng/xe/năm. Xe có dung tích xi-lanh trên 100cm³ là trên 100.000 đồng đến 150.000 đồng/xe/năm. Mức thu này cũng thấp hơn dự kiến (trước đó, mức dự kiến với xe máy nhóm 1 là 80.000 - 120.000 đồng/xe/năm, nhóm 2 là 120.000 - 180.000 đồng/xe/năm). HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức thu cụ thể nằm trong khung nêu trên nhằm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xilanh chịu một mức thu duy nhất là 2,16 triệu đồng/xe/năm.
Ngoài việc quy định các mức thu thấp hơn dự kiến sau khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm quy định không thu phí đối với xe máy điện và miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.
Bất cập lớn nhất là thiếu công bằng
Rõ ràng Chính phủ và các cơ quan chức năng đã rất cân nhắc về mức phí nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân cũng như các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, song việc thu phí đường bộ vẫn sẽ là một gánh nặng đối với không ít chủ xe. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, gánh nặng đó là để chia sẻ khó khăn với nhà nước trong công tác cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ có thể chấp nhận được, nhưng điều đáng nói ở đây là sự thiếu công bằng giữa các phương tiện.
Anh Bùi Công Phố, doanh nghiệp Vận tải Thành Phương (Bắc Ninh), chia sẻ: “Với những doanh nghiệp vận tải đang làm ăn được thì mức phí này không phải là lớn nhưng với những đơn vị đang làm ăn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp vận tải gần như chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều phương tiện “đắp chiếu” mà vẫn phải đóng đủ theo số đầu phương tiện đã đăng ký là điều khó khăn”.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng bày tỏ bức xúc việc mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định thu phí đường bộ sẽ đồng thời với việc dẹp bỏ các trạm thu phí nhà nước, thế nhưng thực tế số lượng trạm thu phí được dẹp bỏ không nhiều. Trong khi đó, các trạm thu phí BOT với mức thu cao 1,5 đến 2 lần lại mọc lên ngày càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng lên phí, và như vậy khó khăn sẽ càng chồng chất lên các doanh nghiệp.
Tương tự, rất nhiều chủ phương tiện xe máy tuy không nằm trong diện hộ nghèo theo quy định nhưng đang thực sự rất khó khăn như sinh viên, người lao động tại các doanh nghiệp nhưng bị nợ lương, thưởng triền miên, việc nộp phí đường bộ cũng là thêm một gánh nặng cho họ. Bên cạnh đó, không ít người dân cũng tỏ ý băn khoăn khi ô tô, xe máy của họ hầu như không sử dụng nhưng lại vẫn phải “trả giá” cho việc “phá đường”. Bác Nguyễn Ngọc Oanh (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn: “Nhà tôi có 1 ô tô, 2 xe máy nhưng các cháu đều học tập, công tác dài hạn ở nước ngoài 2 - 3 năm không lẽ tôi cũng phải đóng như những chủ xe ngày nào cũng lưu thông trên đường?”.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Các hiệp hội vận tải trong cả nước đã nhất trí kiến nghị thu phí đường bộ qua xăng dầu để đảm bảo công bằng cho các phương tiện, nhưng sau khi cân nhắc cuối cùng các cơ quan chức năng lại chọn phương án thu qua đầu phương tiện. Theo tính toán của chúng tôi, một số doanh nghiệp chạy xe đường dài ở một số tuyến có thể được lợi hơn so với việc thu phí cầu đường hiện nay nhưng điều bất cập là nhiều phương tiện chạy ít, nghĩa là “phá đường” ít lại phải chịu thiệt khi đóng đồng mức với xe chạy nhiều. Đặc biệt, ở những tuyến đường có nhiều trạm thu phí BOT và những trạm nhà nước bán quyền thu phí chưa thể dừng theo hợp đồng, ví dụ tuyến QL1, QL5 thì doanh nghiệp vận tải bị phí chồng lên phí, đây là khoản chi phí không nhỏ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cũng khẳng định: “Tôi vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng thu phí đường bộ qua xăng dầu mới đảm bảo công bằng, tránh thất thu và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội”.
Trước thời điểm việc thu phí đã cận kề, các doanh nghiệp và người dân vẫn hết sức mong mỏi các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện cần phải điều chỉnh việc thu phí theo hướng đảm bảo công bằng hơn cho mọi đối tượng.
Bích Quyên
| |
| |