Nâng cao năng lực vận tải công cộng
Để hạn chế phương tiện cá nhân giao thông công cộng phải đi trước một bước; việc này hình như ai cũng biết và ở quốc gia nào cũng thế. Ở TPHCM, qua gần 10 năm phục hồi và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), cho đến nay chắc không ai có thể phủ nhận sự tiến bộ vượt bậc của hoạt động xe buýt, không những chỉ phát triển về số lượng (từ 100.000 HK/ngày đến nay đã đạt được 1.500.000 HK/ngày) mà còn cả về mặt chất lượng như thời gian phục vụ trong ngày dài hơn: 14,45 giờ/ngày, thời gian giãn cách giữa các chuyến xe rút ngắn, cung ứng dịch vụ đa dạng về giá vé (vé lượt, vé tập, vé tháng - vé miễn, vé giảm cho học sinh, sinh viên...), đa dạng về loại hình tuyến (tuyến có trợ giá - tuyến không trợ giá - tuyến buýt đêm - tuyến buýt nhanh - tuyến học sinh, sinh viên, công nhân)...
Tuy nhiên, cũng qua thời gian đẩy nhanh đẩy mạnh việc phát triển hệ thống VTHKCC, chúng tôi cũng nghiệm ra rằng, để cho hệ thống VTHKCC phát triển ngày càng bền vững, nhất thiết phải áp dụng biện pháp bổ sung là hạn chế phương tiện cá nhân. Để có lời giải cho vấn đề này, chúng ta thử phân tích để tìm ra giải pháp khả dĩ chấp nhận được.
Tuy VTHKCC đang có nhiều cố gắng để cải thiện hình ảnh hệ thống buýt nhằm thu hút người dân ngày càng sử dụng phương tiện VTHKCC để đi lại, thế nhưng trên thực tế, VTHKCC của thành phố cũng chỉ phục vụ khoảng 8% nhu cầu đi lại của cư dân. Chính vì thế, phương tiện cá nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thỏa mãn nhu cầu đi lại của cư dân thành phố.
Bên cạnh đó, do tình hình kẹt xe vẫn còn phổ biến, tốc độ thực tế của xe buýt còn thấp (khoảng 16 km/giờ), giá cước xe buýt cao so với thu nhập của người dân (chiếm khoảng 13% thu nhập bình quân đầu người), khoảng cách từ nhà ra các trạm xe buýt còn xa, tuyến xe buýt đêm còn ít... nên phương tiện cá nhân đặc biệt là loại xe 2 bánh đã trở thành phương tiện thuận tiện cho người dân mà khó có hệ thống GTCC nào đáp ứng được.
Hạn chế bằng cách nào?
Để hạn chế lượng xe cá nhân lưu thông trên đường (chúng tôi nhấn mạnh là chỉ hạn chế chứ không cấm đoán đồng thời nói rõ, xe cá nhân bao gồm cả xe ô tô con), góp phần giải bài toán kẹt xe nội thị, dĩ nhiên và nhất thiết phải cần áp dụng một loạt biện pháp mang tính đồng bộ thì mới mong có hiệu quả. Ở đây, chúng tôi xin đề xuất giải pháp: đưa VTHKCC phát triển trước một bước và hạn chế phương tiện xe cá nhân, mà đề xuất của tôi là thu “phí môi trường đối với các xe cá nhân”. Ở nước ngoài, người ta còn mạnh dạn đặt ra loại phí đúng theo thực chất của vấn đề là phí kẹt xe (Congestion fee), còn chúng tôi dùng cụm từ “phí môi trường”, vì bên cạnh việc chống kẹt xe nội thị, giải pháp này cũng hàm chứa việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường rất lớn.
Mức thu loại phí này, chúng tôi dự kiến đề xuất tối thiểu là 60.000 đồng/tháng/xe mô tô và 300.000 đồng/tháng/xe ô tô, hoặc cao hơn nữa tùy thuộc vào chính sách của thành phố trong từng thời kỳ áp dụng khác nhau. Với mức thu này hàng năm thành phố sẽ có một khoảng kinh phí đến hàng ngàn tỷ đồng, vừa đủ để trợ giá cho hệ thống xe buýt (không phải chi từ ngân sách hiện nay); đồng thời có thêm nguồn kinh phí nhằm đầu tư hiện đại hóa hệ thống xe buýt thành phố nhằm nâng cao chất lượng và thu hút hành khách đi lại…
Đây là giải pháp mang tính kinh tế thay vì áp dụng các biện pháp hành chánh mang tính chất cấm đoán thường bị phản ứng. Tóm lại, đây là biện pháp mang tính khả thi cao, có thể thực hiện ngay trong điều kiện hiện nay, chỉ cần thông qua một Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Cũng với khoản thu này, thành phố sẽ có nhiều điều kiện đầu tư cho việc phát triển vận tải khối lượng lớn như Metro, BRT, Tramway... tạo điều kiện cho vận tải công cộng phát triển nhanh, mạnh hơn góp phần hạn chế sự đi lại bằng phương tiện cá nhân; đồng thời đáp ứng được tỷ lệ phục vụ của VTHKCC chiếm 20% - 30% nhu cầu đi lại của cư dân trong vòng 10 năm tới như quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Thạc sĩ Lê Trung Tính
(Sở GTVT TPHCM)