Thu phí phương tiện giao thông - Cần tính toán kỹ lưỡng

LTS: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thu thêm 2 loại phí: phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm các thành phố giờ cao điểm. Nhiều bạn đọc đã bức xúc cho rằng giải pháp này chưa hợp lý và sẽ tạo thêm gánh nặng cho dân.
Thu phí phương tiện giao thông - Cần tính toán kỹ lưỡng

LTS: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thu thêm 2 loại phí: phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm các thành phố giờ cao điểm. Nhiều bạn đọc đã bức xúc cho rằng giải pháp này chưa hợp lý và sẽ tạo thêm gánh nặng cho dân.

  • Phí chồng phí

Việc hạn chế các phương tiện lưu thông vào các tuyến đường nội đô ở các thành phố  lớn để hạn chế tình trạng ùn tắc và kẹt xe là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp thu phí đối với các phương tiện xe ô tô, mô tô vào giờ cao điểm là thiếu khả thi và làm không khéo sẽ tạo gánh nặng cho người dân.

Luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng: “Theo tôi, đối tượng sử dụng xe gắn máy hiện nay chủ yếu là người dân lao động, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước và người làm nghề tự do. Vì thế nếu tập trung đánh các loại phí vào người sử dụng xe gắn máy sẽ tạo thêm khó khăn cho người lao động. Ngoài ra, nếu triển khai thu phí đối với các phương tiện lưu thông vào nội đô giờ cao điểm sẽ gây ra tình trạng “phí chồng phí”. Do đó, tốt nhất là không nên thu theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải”.

Đề xuất thu phí ô tô, mô tô sẽ tạo gánh nặng cho người dân.

Đề xuất thu phí ô tô, mô tô sẽ tạo gánh nặng cho người dân.

Còn ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phân tích: “Trước tình trạng ùn tắc và kẹt xe ở các TP lớn, việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí đối với ô tô, mô tô vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Do đó, nếu triển khai việc thu phí đối với các phương tiện xe ô tô, mô tô, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các chủng loại phương tiện thu phí, mức thu như thế nào cho hợp lý.

Bởi lẽ, việc triển khai thu phí theo kiểu nào cũng đánh vào “túi tiền” của người dân và làm không khéo sẽ gây ảnh hưởng, xáo trộn đến việc đi lại của người dân, cũng như sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay, bản thân các phương tiện vận tải đã chịu quá nhiều loại phí, nếu tiếp tục triển khai thu phí đối với các phương tiện vận tải sẽ khiến cho giá thành vận tải tăng cao. Như vậy, để bù đắp chi phí các chủ doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển lên cao. Người chịu thiệt vẫn là người dân”.

  • Không giảm kẹt xe

Bên cạnh việc tạo gánh nặng cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí đối với các phương tiện vào nội đô thành phố giờ cao điểm nhằm mục đích kéo giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe như Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là thiếu tính khả thi.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, phân tích: “Nếu căn cứ vào mục đích thu phí để giảm ùn tắc giao thông theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải là không có cơ sở và thiếu khả thi. Bởi lẽ, tình trạng kẹt xe hiện nay ở Việt Nam là do đất dành cho giao thông quá ít, trong khi phương tiện quá nhiều. Cụ thể, tỷ lệ đường nội đô ở TPHCM dành cho giao thông hiện nay chỉ chiếm 5%, trong khi ở các nước trên thế giới là 30% - 50%. Do đó, nếu thu phí giao thông đối với các phương tiện vận tải cũng không hạn chế được tình trạng kẹt xe.

Ngoài ra, nếu thu phí theo giờ cao điểm ở các tuyến đường trung tâm chỉ hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông trong một thời gian và khu vực nhất định, chứ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe. Đồng thời, khi thực hiện việc thu phí các phương tiện ở các tuyến đường nội độ, người dân sẽ chọn tuyến đường khác lưu thông và như vậy sẽ chuyển tình trạng kẹt xe từ nơi này qua nơi khác”.

Thu phí ô tô, xe máy có bảo đảm sẽ giảm ùn tắc giao thông?

Thu phí ô tô, xe máy có bảo đảm sẽ giảm ùn tắc giao thông?

Đồng quan điểm này, luật sư Thái Văn Chung chứng minh: “Có một thực tế hiện nay là phần đường dành riêng cho xe gắn máy quá hẹp so với số lượng phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân; đối với xe vận tải hàng hóa thì do thời gian bị hạn chế lưu thông nhiều nên tại một số tuyến đường vào giờ được phép lưu thông thì tập trung một lượng lớn phương tiện lưu thông trên cùng một làn đường dành riêng nên cũng dễ gây ách tắc; còn đối với xe buýt thì do xe quá lớn lại được ưu tiên lưu thông trên nhiều làn đường vốn đã hẹp nên cũng gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy.

Một đặc điểm của nhiều tuyến đường nội thành của các thành phố lớn là nhiều loại phương tiện cùng tham gia trên một phần đường trong khi ý thức của người tham gia giao thông hiện nay còn thấp nên lại càng dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Do đó, nếu thu phí đối với các phương tiện vào nội đô TP trong giờ cao điểm cũng không giảm được kẹt xe”. 

ĐÌNH LÝ


Ý kiến người dân

  • Nên vì lợi ích của dân

Nghe tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu thêm 2 loại phí đối với người sử dụng xe cá nhân, nhiều người cho rằng sẽ có thêm gánh nặng trong thời buổi kinh tế khó khăn. Bởi lẽ người đi xe 2 bánh đã phải chịu nhiều loại phí như phí bảo dưỡng đường bộ (thu qua xăng dầu), phí bảo hiểm, phí trước bạ..., nay lại thêm phí lưu hành. Người dân sử dụng xe gắn máy vì phương tiện công cộng chưa thể đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện nên xe gắn máy là phương tiện hữu hiệu, phù hợp với nhu cầu đi lại, học hành, buôn bán... Nếu đề xuất này được thông qua và thực thi mà không mang lại hiệu quả như mong muốn thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Mọi chính sách đưa ra thực thi nên vì lợi ích của dân!

CÔNG TÂM (TP Cần Thơ)

  • Giải pháp không hợp lý

Tôi nghĩ Bộ trưởng Đinh La Thăng rất muốn giải quyết tình hình kẹt xe tại các thành phố lớn, nhưng giải pháp thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với xe máy là không hợp lý. Xe máy là phương tiện mưu sinh của đa số người dân. Nếu không sử dụng xe máy thì họ dùng phương tiện gì? Khi muốn giảm kẹt xe đâu thể chỉ bằng cách tạo ra thêm gánh nặng khiến người sử dụng xe máy phải bỏ xe. Nếu đề xuất áp dụng phí, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần phải có đề án phân loại mức phí đối với từng đối tượng, chứ không phải chỉ đơn giản với phân khối xe.

NGỌC DIỆP
(Quận Tân Phú, TPHCM)

  • Phải có phương án thuyết phục

Để có thể áp dụng biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, cần quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở nước ta thì giao thông đô thị yếu kém, xuống cấp và quá tải triền miên. Nguyên nhân từ đâu và ai phải chịu trách nhiệm về thực trạng này? Điều bức xúc là các phương tiện xe cá nhân đã phải đóng nhiều loại phí và đang bị đe dọa sẽ thu thêm nhiều loại phí khác. Trong khi việc lạm thu ngày càng tăng thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông chưa tương xứng với sự đóng góp của người dân. Câu hỏi đặt ra là với số tiền thu phí xe lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, Bộ Giao thông Vận tải có dám hứa với dân là sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông như hiện nay?

NHƯ HÀ (Quận 10, TPHCM)

  • Bộ Giao thông Vận tải đã cân nhắc kỹ?

Gia đình tôi hiện có 2 người nghỉ hưu, những chiếc xe máy không sử dụng thường xuyên nên ít khi chiếm dụng diện tích lòng đường, không đẻ ra tiền nhưng lại là phương tiện rất cần thiết để đi lại. Khi biết tin Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, ai cũng lo lắng, vì đồng lương hưu vốn đã eo hẹp, không biết xoay xở cách nào để đóng thêm khoản phí này.

Bỏ xe máy để chuyển sang đi xe buýt là điều không thể, vì giao thông chưa thuận tiện, quá vất vả với người hưu trí. Không biết Bộ Giao thông Vận tải đã cân nhắc kỹ chưa khi đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với xe gắn máy, vì nó ảnh hưởng tới hầu hết mọi người, mọi gia đình và mọi mặt đời sống xã hội.

BÙI HIỂN
(Quận Phú Nhuận, TPHCM)

  • Sẽ không giải quyết được vấn đề

Theo Bộ Giao thông Vận tải ước tính, phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân chỉ riêng với các ô tô từ 9 chỗ trở xuống hàng năm sẽ thu được đến 15.239 tỷ đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ. Có ý kiến cho rằng đa số người sử dụng ô tô từ 9 chỗ trở xuống có thu nhập khá, phương tiện này chiếm dụng nhiều diện tích mặt đường, do vậy mức thu phí cũng không phải là quá nặng nề. Nhưng việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với xe máy là không hợp lý, 
sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người dân chứ không mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông.

Theo tôi, áp dụng phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm các TP giờ cao điểm, dù cao cũng sẽ không đủ tạo ra xu thế để người dân chuyển sang dùng các phương tiện giao thông công cộng khi chất lượng phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa cải thiện và còn bất tiện như hiện nay.

HẠ UYÊN
(TP Tam Kỳ, Quảng Nam)

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Tôi đồng tình với đề xuất thu phí phương tiện vào giờ cao điểm đối với ô tô để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, tổ chức thu như thế nào cũng là vấn đề cần thận trọng nếu không thì còn gia tăng thêm. Riêng vấn đề thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, tôi cho rằng không hợp lý. Trước hết, khái niệm xe cá nhân ở trong đề xuất này chưa được làm rõ, nếu chỉ trừ xe công và xe buýt như đề xuất thì xe cá nhân ở đây bao gồm cả xe phục vụ nhu cầu đi lại đơn thuần của cá nhân và xe của các doanh nghiệp, xe kinh doanh vận tải, taxi, xe của các gia đình sống trong nội đô… Vậy họ phải chịu phí hết sao?
 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Đề xuất này của Bộ GT-VT rất khó đi vào thực tế. Xe máy hiện đang là phương tiện giao thông chính của người dân, thu phí lưu hành đối với xe máy là đánh vào túi tiền của người dân trong đó phần lớn là người dân có mức thu nhập trung bình và thấp, trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của họ. Còn với việc thu phí lưu hành phương tiện ô tô, chỉ cần nói riêng đến việc tổ chức thu như thế nào cũng là một bài toán khó bởi ở các đô thị lớn, ô tô chỉ cần dừng nửa phút là ùn tắc xảy ra, nhất là trong giờ cao điểm. Vì vậy, việc thu phí này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.
 

Kỹ sư Trần Đình Bá, Phó Tổng giám đốc Công ty Glitering Star J.S.C: Tôi phản đối đề xuất của Bộ GT-VT. Khi nhà nước chưa đáp ứng đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, họ phải tự lo phương tiện đi lại, nghĩa là người dân đang giúp nhà nước giải quyết vấn đề giao thông thì việc thu phí là không công bằng. Để giải quyết ùn tắc, Bộ GT-VT cần xem xét nâng cao năng lực giao thông công cộng và xem xét nhiều giải pháp khác.

>> Về việc thu phí ô tô, xe máy, Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cứ làm ngay để giảm ùn tắc

Tin cùng chuyên mục