Thu phí tự động để chấm dứt gian lận

Trước thực trạng hàng loạt trạm thu phí đường bộ gian lận, Tổng cục Đường bộ vừa đưa ra phương án “khoán thu phí” tại các trạm BOT. Theo đó, cơ sở của việc khoán số thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát về số thu của tổng cục và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hằng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế). Thời gian khoán là 5 năm/lần. Sau 5 năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.

Theo đánh giá của Cục Đường bộ, nếu thực hiện cơ chế khoán thu phí, công tác thu phí sẽ minh bạch hơn. Hiện nay, khi chưa áp dụng được đại trà hình thức thu phí tự động trên toàn quốc thì giải pháp khoán doanh số thu phí sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước và người dân yên tâm trong việc tính sát con số thu phí của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cái khó là việc tính toán lưu lượng xe cũng như dự báo lưu lượng xe phải chính xác và khoa học. Để làm được việc này cần phải có cơ quan thuế cùng kiểm đếm doanh thu, vì qua xác định mức thuế sẽ cho ra con số minh bạch, sát với doanh thu thực.

Trong trường hợp mức thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới thì doanh nghiệp phải bù tiền vào. Tuy nhiên,  mấu chốt của việc “khoán thu phí” là nhà đầu tư BOT phải đồng ý, chấp nhận khoán mới thực hiện được, do hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và nhà đầu tư chưa có điều khoản này. Vì vậy, việc khoán phí rất khó thực hiện nếu doanh nghiệp không đồng ý. Đó là chưa kể, hệ thống máy móc phục vụ công tác hậu kiểm đặt tại các trạm thu phí có thể bị tác động làm thay đổi số liệu. Vấn đề này mang tính kỹ thuật nên phải có cơ quan chuyên môn, vì liên quan đến công tác điều tra, Tổng cục Đường bộ không có chuyên môn để thực hiện điều này.

Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), tình trạng gian lận thu phí đường bộ đang báo động. Với số lượng xe rất lớn lưu thông hàng ngày và khoảng thời gian thu phí dài thì Nhà nước (có thể cả công ty đầu tư, quản lý) bị thất thoát khoản tiền cực lớn. Ông Sanh cho rằng, để “xóa” nạn gian lận trong thu phí, giải pháp hiệu quả nhất là khẩn trương xây dựng trạm thu phí tự động. Các nước trên thế giới đã xóa bỏ thu phí thủ công từ lâu và chuyển sang thu phí tự động. Thu phí tự động không chỉ hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, giảm thời gian thu phí, đặc biệt là nhà đầu tư kiểm soát được nhân viên, Nhà nước cũng kiểm soát được nhà đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc triển khai Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc (giai đoạn 1 áp dụng cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOT), các trạm thu phí trong phạm vi của dự án phải lắp đặt xong thiết bị thu phí tự động không dừng ít nhất 50% số làn thu phí tại tất cả các trạm để chính thức vận hành vào đầu tháng 7-2016. Tuy nhiên, dự án này phải lùi lại đến hết quý 3-2016, nhưng chưa chắc đã thực hiện được vì do trong quá trình phối hợp, nhà đầu tư BOT và đơn vị thực hiện dịch vụ thu phí không dừng VETC (thuộc Công ty cổ phần TASCO) có những điểm chưa thống nhất.

Bộ GTVT đang đua với thời gian để sớm đưa hệ thống thu phí tự động vào vận hành nhằm hạn chế gian lận trong thu phí. Còn tại TPHCM, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng nhiều lần gửi kiến nghị đến UBND TPHCM cho xin phép đầu tư lắp đặt trạm thu phí bán tự động, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép triển khai. Trong khi đó, tại hai trạm thu phí của đơn vị này trên đường Nguyễn Văn Linh, nhân viên thu phí thường xuyên thu tiền nhưng “quên”… xé vé!

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục