Thông tư 30 về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học đã có những “bước đi” đầu tiên. Thông tư này nhằm giảm áp lực điểm số, giúp trẻ học với tinh thần vui và hợp tác. Nhìn chung, xã hội còn nhiều bỡ ngỡ (kể cả người trong và ngoài ngành giáo dục).
Nhiều phụ huynh chưa quen để thay đổi câu hỏi “Hôm nay, con được mấy điểm?”. Giáo viên chưa quen với một công việc, dù không nặng nhọc nhưng lại mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trên tất cả là sự lo ngại học sinh có nhận biết được kết quả học tập của mình để phát huy hoặc điều chỉnh theo hướng tốt hơn. Để làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và thái độ của người đánh giá, cụ thể là giáo viên. Và sự đổi mới nào cũng phải bắt đầu từ khó khăn, thử thách.
Giáo viên cần có năng lực để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Trong khi đánh giá, giáo viên phải tư duy (tạo mối liên hệ giữa mục tiêu bài học, bảng tiêu chí đánh giá và bài thể hiện của học sinh), giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo, không nóng giận, bực tức để đánh giá sao cho khách quan, chính xác và công bằng. Giáo viên còn phải biết ghi nhận và liên kết với những ưu điểm cũng như hạn chế, những lỗi học sinh hay sai phạm để kết quả đánh giá phản ánh được đúng năng lực của học sinh; giúp các em tiếp tục phát huy sở trường và dần khắc phục những hạn chế của mình. Nếu giáo viên đánh giá kết quả với lời khen quá mức, cao hơn so với thực lực thì học sinh dễ ảo tưởng về bản thân. Ngược lại, đánh giá thấp thì học sinh mất niềm tin trong học tập, dẫn đến việc các em không còn hứng thú với việc học.
Sau khi đánh giá, bao giờ giáo viên tiểu học cũng nêu lên ưu điểm nổi trội của cá nhân học sinh trước lớp và đặc biệt, không được gọi từng em học sinh để chỉ ra cái sai. Nhưng giáo viên có thể khuyến khích các em giải thích những sai sót đó. Đôi khi giáo viên còn yêu cầu học sinh ghi nhớ để không phạm một lỗi nào đó như quên viết đáp số bài toán, luôn đọc đề cẩn thận khi làm bài… Giáo viên không được ghét bỏ hay phân biệt đối xử, đơn giản giáo viên chỉ mong muốn học sinh không lặp đi lặp lại một lỗi sai. Công việc này đòi hỏi giáo viên sự kiên nhẫn và lòng yêu nghề, yêu trẻ. Nếu không, giáo viên phát bài với lời nhận xét chung chung mười bài như một thì học sinh tiểu học khó lòng rút kinh nghiệm. Bản chất hồn nhiên, nhiều học sinh đọc nhận xét… rồi thôi. Có em băn khoăn nhưng không dám hỏi thầy cô. Vì vậy giáo viên phải chủ động. Khi sửa bài cho từng học sinh, giáo viên còn phải thể hiện thái độ nghiêm khắc, bao dung, biết lắng nghe, biết giải thích, bày tỏ sự ngạc nhiên, sự thán phục và cả sự lo lắng,… chỉ vì muốn học sinh nhận biết về bài làm của mình. Qua đó, thầy trò sẽ hiểu nhau và tình cảm gắn bó hơn.
Để giúp ngành giáo dục đang mong muốn thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh, có lẽ phụ huynh nên thay đổi câu hỏi dành cho con mình. Phụ huynh có thể hỏi: Hôm nay, con đi học có vui không? Con đã được làm gì ở trường? Con làm việc với bạn nào? Con giữ vai trò gì trong nhóm? Bài làm của con như thế nào?... Những câu hỏi như thế sẽ giúp trẻ tự nhận xét, tự đánh giá chính mình cũng là giúp phụ huynh biết được thái độ và hiệu quả công việc của con qua một ngày học.
Việc thay đổi từ chấm điểm sang nhận xét không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại ban đầu và là một sự thử thách về nhận thức, về năng lực của giáo dục tiểu học. Lãnh đạo ngành chắc sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp. Điều quan trọng là kết quả đánh giá cần phản ánh đúng chất lượng của người học về kiến thức, năng lực, phẩm chất để đi đến sự đổi mới toàn diện trong tương lai.
LÊ NGỌC TƯỜNG KHANH
Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm TPHCM