Thử thách với người thầy

Hay nhưng không dễ làm
Thử thách với người thầy

Được quyền thiết kế lại chương trình

Giáo viên được giao quyền chủ động thiết kế lại chương trình dạy phù hợp thực tế và năng lực học sinh. Cú hích này sẽ tạo tiền đề cho bước đột phá đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai trong ngày lễ tốt nghiệp THPT.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai trong ngày lễ tốt nghiệp THPT.

Hay nhưng không dễ làm

Lâu nay, các trường đều than, chương trình phổ thông quá nặng, cấu trúc nội dung, thời lượng dành cho môn học, tiết học chưa hợp lý khiến người dạy và người học đều căng thẳng, mệt mỏi. Vì thế, đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc, nội dung chương trình ở nhà trường phổ thông cho hợp lý là vấn đề cấp bách. Nắm bắt yêu cầu này, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn số 791/HD-BGDĐT, ngày 25-6-2013, cho phép các trường chủ động thiết kế lại chương trình học theo năng lực học sinh, tạo tiền đề cho bước đột phá đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015. Trong lúc chờ đợi sự thay đổi toàn cục, việc khuyến khích các trường tham gia hoạt động thí điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông như điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục trong từng môn học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá… là tín hiệu tích cực.

Không kể 6 trường THPT được Bộ GD-ĐT chỉ định thí điểm, một số trường ở TPHCM cũng tiên phong hưởng ứng với mong muốn giảm bớt áp lực, mang lại niềm vui học tập cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho biết: “Trước đây, nhà trường luôn rất muốn thực hiện ý tưởng đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh để mang lại niềm vui học tập cho các em. Nhưng do thiếu hành lang pháp lý nên sự chủ động, sáng tạo này bị hạn chế, thậm chí vừa làm vừa lo. Bây giờ được trao quyền chủ động, chúng tôi không những tâm đắc mà cảm thấy hào hứng muốn thực hiện ngay. Theo tôi, cái gì cần, có lợi cho học sinh thì nên làm ngay, chậm trễ sẽ thiệt thòi cho thế hệ trẻ…”.

Với những giáo viên thích đổi mới thì họ cho rằng, ý tưởng của chương trình hay, cho phép người dạy chỉnh lý nội dung môn học, tiết học và có thể lược bỏ kiến thức hàn lâm, nặng lý thuyết thay thế bằng kiến thức thực tế, sinh động. Định hướng là thế nhưng bắt tay vào thực tế đòi hỏi giáo viên phải xác định mục tiêu cụ thể cho từng môn học để dạy theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Mở rộng nút thắt

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, hiện đã có một số trường ở TPHCM đăng ký tham gia gồm: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Gia Định, THPT Ngô Thời Nhiệm… Theo quy trình, sau khi thẩm định xong đề án đổi mới chương trình giảng dạy của các trường, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ gửi ra Bộ GD-ĐT phê duyệt rồi mới bắt tay thực hiện. Do việc tập huấn của Bộ GD-ĐT chậm trễ, khai giảng xong năm học 2013 - 2014 mới triển khai nên việc xây dựng, phê duyệt đề án nhìn chung cập rập. Thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Trong học kỳ 1 của năm học này, các tổ chuyên môn của nhà trường mới bắt tay vào việc sắp xếp, thay đổi cấu trúc lại chương trình. Qua học kỳ 2, mới tính đến việc thay đổi nội dung từng môn học, bài nào cần điều chỉnh sẽ biên soạn lại cho hợp lý, phù hợp với trình độ học sinh. Trước mắt, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa những bất cập và đến năm học mới có thể áp dụng từ lớp 10…”.

Ông Nguyễn Hoài Chương lưu ý: “Dù được quyền phân bổ, thiết kế nội dung chương trình cho hợp lý nhưng các trường vẫn phải tuân thủ nguyên tắc, mục tiêu là đảm bảo nội dung giáo dục theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; không được cắt xén và giảm thời lượng môn học”. Thực tế này đòi hỏi hiệu trưởng phải có năng lực, bản lĩnh mới có thể phân phối, điều tiết chương trình theo hướng tăng giảm nội dung, kiến thức tùy theo năng lực, đối tượng học sinh của trường mình. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, từ hướng tiếp cận năng lực học sinh (năng lực chung và chuyên biệt), người học sẽ được chăm sóc tối đa, toàn diện. Các môn học được tổ chức khoa học, đảm bảo tính hệ thống, nâng cao kiến thức của người học.

Về tổ chức dạy học, Bộ GD-ĐT yêu cầu chú trọng áp dụng phương pháp dạy học tích cực, giúp học sinh thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào tình huống thực tiễn, xử lý các tình huống phức tạp. Ngoài khuyến khích tổ chức dạy học theo nhóm, dự án, chuyên đề, thuyết trình, thảo luận, phát triển tư duy sáng tạo, nghiên cứu khoa học… học sinh phải được tạo điều kiện tham gia hoạt động xã hội, gắn kết với cộng đồng.

“Tuy cho thoải mái, sáng tạo trong cách giảng dạy, thiết kế lại chương trình, nội dung môn học nhưng những tiêu chí thi cử, đánh giá học sinh vẫn như cũ thì hiệu quả đổi mới sẽ đến đâu. Nếu thay đổi “mạnh tay” thì học sinh sẽ đáp ứng thi cử như thế nào?”. Đó là băn khoăn của một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Vì thế, các trường nói trên thừa nhận vẫn đặt mục tiêu an toàn lên cao và dè dặt trong cách làm. Riêng với khối lớp 12 - chuẩn bị vượt vũ môn ở hai kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT và đại học thì vẫn phải dạy, bám chặt mục tiêu thi cử. Như vậy, muốn đổi mới nhà trường phổ thông thì các tiêu chí kiểm tra đánh giá năng lực học tập, kỹ năng thực hành của học sinh cũng phải thay đổi, trong đó phải dựa vào cả quá trình học tập chứ không thể đo bằng điểm số - kết quả hiện tại của các kỳ thi.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục