Xã hội ta hiện đang tồn tại khá nhiều điều nghịch lý. Một trong những nghịch lý ấy là hầu hết công nhân viên chức khắp cả nước đều than thở lương không đủ sống, thậm chí một bộ phận muốn bỏ việc, ra ngoài làm.
Nhưng ngược lại, có rất nhiều người, bằng mọi cách, cố chạy bằng được một “chân” công chức nhà nước, kể cả làm giáo viên, nhân viên y tế hạng “xoàng”!
Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết: “Chạy vào làm công chức ở Hà Nội, giá không dưới 100 triệu đồng”.
Tại sao lại có chuyện ngược đời này?
Thật ra, việc chạy chức, mua việc (kể cả một số chức danh lãnh đạo các cấp ở nơi này, nơi khác), từ lâu người ta đã nghe nhiều rồi, thậm chí có lúc còn được đưa cả vào nghị trường Quốc hội để tranh luận; thế nhưng phát biểu một cách công khai giữa bá quan văn võ, chỉ ra cả “giá sàn” cụ thể như trên thật hiếm thấy. Nhưng dù sao, đây là chuyện hoàn toàn có thật, qua đó cảnh báo nguyên nhân quan trọng khiến “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức nhà nước hiện nay trình độ, năng lực “chưa ngang tầm”, phẩm chất đạo đức yếu kém do họ bỏ tiền ra “mua” việc làm, chứ không phải do thi tuyển vào một cách công khai, minh bạch, “đường đường chính chính” như nhiều người lầm tưởng!
Lẽ thường, đối với những người đi mua việc, họ xem đây là một kiểu kinh doanh, nên yêu cầu đặt ra phải có lời! Mà tiền lương do nhà nước trả thường không đủ sống, nên họ phải nghĩ cách kiếm chác từ những nguồn khác: hoặc cố bày vẽ để rút rỉa thêm từ ngân sách nhà nước, hoặc vòi vĩnh, kiếm chác từ người dân hay đối tác làm ăn thông qua các mối quan hệ của mình…
Tóm lại, mục đích làm việc của họ là vụ lợi, cốt nhanh chóng lấy lại vốn đã bỏ ra, sau đó là thu lời (càng nhiều càng tốt). Chuyện xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân… đối với họ hoàn toàn sáo rỗng, hình thức, thậm chí một chút khái niệm cỏn con về việc này chưa chắc họ đã có! Một trong những nguyên nhân nảy sinh ra tham nhũng cũng bắt nguồn từ đây.
Để hạn chế đến mức thấp nhất nạn chạy chức, mua việc, yêu cầu hàng đầu vẫn là công khai, minh bạch, nêu gương, xử lý nghiêm mọi vi phạm có bằng chứng. Mặt khác, nhanh chóng cải tiến nội dung và hình thức thi tuyển công chức, chấm dứt ngay việc “bài làm của thí sinh giống đáp án đến từng dấu chấm, dấu phẩy, buộc phải cho điểm tối đa” như một vị có trách nhiệm đã phát biểu. Nếu ra đề thi, cho đáp án và chấm bài kiểu đó, theo tôi, cần phải xem lại trình độ, kiến thức và năng lực của cả hội đồng thi.
PHAN TRỌNG HIỀN