Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ tính tiến sĩ (TS) và giáo sư (GS) thì lực lượng nghiên cứu đã rất nhiều, song công bố quốc tế của Việt Nam còn rất thấp, chúng ta vẫn chưa có nhiều nhà khoa học đoạt giải thưởng cao của thế giới, cũng như chưa có những nhóm nghiên cứu mạnh ở các công trình quốc tế, tỷ lệ người Việt Nam trong các công trình nghiên cứu còn quá thấp.
Đầu tư khiêm tốn - kết quả thấp
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên hiện nay là 27,99 triệu đồng (trung bình của tất cả các hệ đào tạo), trong khi Singapore khoảng 350 triệu đồng/sinh viên/năm. Trung bình mỗi cán bộ nghiên cứu nhận được kinh phí đầu tư cho NCKH là 16 triệu đồng/năm, nên năng suất của mỗi giảng viên (chỉ tính tiến sĩ) có bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS) chỉ đạt 0,6 bài/năm. Trong khi đó, Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) mỗi năm đầu tư 4 tỷ đồng/cán bộ nghiên cứu (nhiều hơn gấp 250 lần so với ĐH Quốc gia TPHCM).
Kết quả khảo sát hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) trong giai đoạn từ 2011-2016 của 142 trường ĐH, viện nghiên cứu do PGS-TS Vũ Văn Tích (ĐH Quốc gia Hà Nội) làm trưởng nhóm cho thấy: Các trường ĐH, viên nghiên cứu hiện cung cấp hơn 90% nhân lực KH-CN trong cả nước, 10% còn lại được đào tạo ở nước ngoài. Đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH được xếp là một trong 5 lực lượng làm công tác khoa học trong các lĩnh vực từ khoa học. Tuy nhiên, đầu tư tài chính cho NCKH trong cả nước hiện nay bình quân chỉ khoảng 1,7% ngân sách (giai đoạn 2011-2015), tương đương 0,4% GDP (trong khi tại Malaysia là 1,26%, Singapore là 2,2%). Đầu tư đã thấp lại còn dàn trải nên năng suất NCKH, đặc biệt là công bố quốc tế, của các trường hiện nay khá khiêm tốn. Khối các trường kỹ thuật công nghệ (16 trường) công bố quốc tế 1.733/5.738 bài báo quốc tế của cả nước, chiếm 30% toàn ngành. Tuy nhiên, so với các ĐH khác trong khu vực thì năng suất NCKH khá thấp.
Với mức đầu tư như trên thì hiệu quả thấp là điều tất yếu. Các trường khối nông - lâm - ngư - y đã có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế. Nếu so sánh với nguồn nhân lực hiện có thì số lượng đề tài NCKH của khối trường này rất khiêm tốn, bình quân chỉ đạt 0,74 bài/cán bộ khoa học trong 5 năm (2011-2016), trong khi nhiều trường có lịch sử phát triển 20 - 60 năm. Các trường ĐH khối sư phạm (21 trường thuộc Bộ GD-ĐT) có 2.000/9.000 giảng viên là TS nhưng số lượng bài báo quốc tế (chỉ tính ISI/SCOPUS) lại rất khiêm tốn so với nguồn nhân lực hiện có, chỉ 804 bài. Đối với các trường ĐH khối khoa học xã hội nhân văn, trung bình mỗi năm, một nhà khoa học đạt… gần 0,5 bài!
Cần những giải pháp căn cơ
Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, phân tích: Công bố khoa học của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian 5 năm qua nhưng số lượng vẫn thấp trong khu vực, chúng ta chỉ cao hơn Philippines. Một điều đáng chú ý nữa là đa số (gần 80%) công bố khoa học từ Việt Nam là do hợp tác quốc tế. Vì vậy chất lượng nghiên cứu của Việt Nam còn khiêm tốn. Do đó, các chính sách đầu tư cho KH-CN phải thay đổi là tất yếu. Trước tiên, các trường phải có sự phân tích, tính toán để đầu tư cho nghiên cứu sao cho hợp lý. Chẳng hạn như giảng viên phải phân thành 3 loại: chuyên giảng dạy lý thuyết (85% là giảng dạy - 15% là nghiên cứu), vừa giảng dạy vừa nghiên cứu (50% giảng dạy - 50% nghiên cứu), chuyên nghiên cứu (15% giảng dạy - 85% nghiên cứu). Nếu phân định rõ ngay từ đầu thì giảng viên từ giảng dạy đến nghiên cứu sẽ không có chuyện dạy hay NCKH chỉ để đối phó, hoàn thành nhiêm vụ. Ngoài ra, trong nghiên cứu cũng rạch ròi giữa hàn lâm và ứng dụng. Nếu nghiên cứu hàn lâm thì kết quả phải là bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS), còn ứng dụng thì phải là sản phẩm ứng dụng chuyển giao, bằng sáng chế quốc tế.
Nhìn một cách tổng thể, PGS-TS Vũ Văn Tích cho rằng muốn thúc đẩy hoạt động NCKH của các trường ĐH có hiệu quả thì phải thay đổi và điều chỉnh nhiều chính sách. Trong đó, 3 giải pháp cốt yếu phải là tạo cơ chế đột phá, thay đổi điều chỉnh cách đầu tư và hợp tác. Về cơ chế, liên Bộ KH-CN, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ cần phối hợp thay đổi mô hình đầu tư cho KH-CN của các trường ĐH, không phân biệt giữa trường công và trường tư, mà hướng tới sản phẩm đầu ra của NCKH. Về đầu tư, phải thay đổi phương thức tổ chức nhiệm vụ KH-CN (các đề tài, dự án cấp bộ) trong các trường ĐH, theo dạng chương trình nghiên cứu gắn với mục tiêu phát triển của quốc gia, tránh đầu tư dàn trải. Các chương trình nghiên cứu phải hướng tới tạo ra sản phẩm phục vụ đào tạo nhân lực và ứng dụng trực tiếp cho xã hội, đồng thời gắn với xu thế KH-CN của thế giới hiện nay là cách mạng công nghiệp 4.0.
Kiến nghị với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Với mức đầu tư bình quân cho cán bộ NCKH chỉ có 16 triệu đồng/năm thì năng suất và hiệu quả nghiên cứu thấp là tất yếu. Ngoài ra, có hiện tượng chảy máu chất xám khi người của ĐH Quốc gia TPHCM sử dụng kinh phí của đơn vị mình nhưng kết quả lại là của các đơn vị khác. Do đó, các chính sách về đầu tư cho KHCN, thu hút chuyên gia nước ngoài cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. |