Thực hiện bài bản, chu đáo chương trình Sữa học đường

HĐND TPHCM vừa thông qua cơ chế hỗ trợ ngân sách để thực hiện đề án chương trình Sữa học đường, dự kiến phục vụ gần 900.000 trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1. Bạn đọc đã quan tâm nêu ý kiến góp ý cho việc thực hiện chương trình này.
Trẻ mẫu giáo uống sữa tại lớp. Ảnh: H.DUNG

Bảo đảm công khai, minh bạch

Xét một cách toàn diện, chương trình Sữa học đường đang được nhiều quốc gia thực hiện, là một chương trình rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền đối với việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc thế hệ tương lai. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, khi triển khai chương trình Sữa học đường ở một số tỉnh - thành, đã có dư luận lo ngại xảy ra tình trạng móc nối, lợi ích nhóm giữa nhà trường và doanh nghiệp cung cấp sữa, và lo ngại chất lượng sữa không đảm bảo. Cũng có ý kiến bàn ra về việc có trẻ bị dị ứng với sữa hay đang trong tình trạng thừa cân, béo phì, nên không có nhu cầu tham gia chương trình Sữa học đường. 

Do vậy, khi TPHCM triển khai chương trình Sữa học đường, nên chú ý thực hiện thật bài bản ở tất cả các khâu, từ việc tuyên truyền vận động, mua trang thiết bị cần thiết, vận chuyển, bảo quản sữa đảm bảo an toàn theo quy định, đến việc bảo đảm sự công khai, minh bạch, không để phụ huynh băn khoăn. Chương trình Sữa học đường là chương trình tự nguyện, vận động chứ không bắt buộc học sinh tham gia; việc hưởng ứng chương trình này không nên dính líu gì đến việc xếp hạng thành tích thi đua của từng học sinh hay lớp học, nhà trường. Sự công khai, minh bạch phải được thực hiện rõ trong việc chọn doanh nghiệp nào cung cấp sữa cho chương trình và chọn loại sữa nào thích hợp, cần thiết đối với lứa tuổi trẻ mẫu giáo và lớp 1. Với sự bao tiêu sản phẩm sữa cho doanh nghiệp, giá sữa tham gia chương trình Sữa học đường phải rẻ hơn so với giá sữa mà doanh nghiệp đang tham gia thị trường. Nên có sự đấu thầu công khai, phối hợp giám sát và kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm được các yêu cầu nêu trên. 

Cũng cần nhận thức rằng sữa không phải là giải pháp toàn diện để nâng cao tầm vóc, thể chất, trí tuệ cho trẻ em, mà còn cần sự kết hợp các giải pháp đồng bộ khác về chế độ dinh dưỡng, thể dục thể thao, kỹ năng mềm, giao tiếp hiệu quả, vui chơi, giải trí…

HOÀNG PHƯƠNG (quận 3, TPHCM)

Không nên cào bằng

Theo dự toán thực hiện đề án của UBND TPHCM, kinh phí cho chương trình Sữa học đường trong 2 năm học là gần 1.135 tỷ đồng, trong đó, phụ huynh sẽ đóng 50%, ngân sách nhà nước 30% và doanh nghiệp sữa hỗ trợ 20%. Như vậy phụ huynh chỉ phải trả một nửa số tiền cho con mình uống sữa tại trường. Tuy nhiên, đối với những phụ huynh diện hộ nghèo, việc lo thêm một khoản tiền đóng cho con uống sữa cũng là gánh nặng, nên sẽ không tham gia, trong khi trẻ em hộ nghèo lại là đối tượng rất cần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Chương trình Sữa học đường ở TPHCM được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, do vậy sẽ có trẻ được uống và trẻ không được uống sữa trong thời gian học tập trung ở lớp. Như vậy, mục tiêu rất nhân văn là thực hiện đại trà việc cho trẻ em uống sữa để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ em sẽ không đảm bảo. Ở các trường mầm non và lớp 1 sẽ diễn ra tình trạng phân biệt đối xử, tạo ra khoảng cách và so bì giữa những trẻ cùng lớp bởi chúng sẽ không hiểu vì sao bạn được uống sữa, còn mình lại không được. Để tránh tình trạng đó, khi thực hiện chương trình Sữa học đường, nên vận động doanh nghiệp hỗ trợ sữa cấp phát miễn phí cho các trẻ em diện hộ nghèo.

Dự kiến năm học này, chương trình Sữa học đường sẽ sử dụng gần 500 tỷ đồng phục vụ hơn 381.000 trẻ mẫu giáo ở 24 quận - huyện và học sinh lớp 1 ở 5 huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi). Năm học tới, chương trình sẽ thực hiện đại trà cho hơn 492.000 trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 của tất cả quận - huyện với kinh phí còn lại. Theo tôi, không nên cào bằng trong việc thực hiện chương trình, bởi thực tế đối tượng trẻ em hộ nghèo mới thực sự cần bổ sung dinh dưỡng. Tại TPHCM, nhiều gia đình khá giả đang phải lo vấn nạn trẻ em béo phì. Thực tế hiện nay, quan sát khay đựng sữa của các cháu đem đến lớp uống sẽ thấy có đủ các chủng loại sữa và thể tích hộp sữa khác nhau, do sở thích và cơ địa của các cháu không giống nhau. Do vậy, khi thực hiện chương trình Sữa học đường cũng nên cho phụ huynh được lựa chọn đăng ký loại sữa phù hợp thể trạng và khẩu vị của con em mình, dĩ nhiên mức đóng góp không thể cào bằng. 

Các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và ban giám hiệu các trường mầm non, trường tiểu học cần quan tâm hơn nữa chất lượng bữa ăn cũng như thực phẩm chế biến nhằm đảm bảo không bị bớt xén, nhất là sữa trong chương trình Sữa học đường và thực phẩm chế biến món ăn cho trẻ phải an toàn tuyệt đối.

BÙI HIỂN (quận Phú Nhuận, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục