Về bản chất, dự thảo này không khác nhiều so với Thông tư 09/2009. Tuy nhiên, vấn đề các cơ sở giáo dục ĐH băn khoăn là đừng làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” như trước đây.
Đã có chế tài
Xuyên suốt toàn dự thảo thì điểm mới dễ nhận thấy là các quy định chỉ áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT quản lý, không có các trường cao đẳng thuộc Bộ LĐTB-XH.
Về cấu trúc và nội dung, dự thảo cũng quy định các cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng sư phạm công bố 4 nội dung chính gồm: Chất lượng đào tạo (1); Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (2); Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên (3); Thu chi tài chính (4). Nội dung công khai 1 của dự thảo có một số điểm khác biệt so với Thông tư 09. Đó là có thêm nội dung công khai kiểm định cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo: công khai kết quả đánh giá ngoài, nghị quyết hội đồng kiểm định và công nhận đạt hay không đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Dự thảo cũng quy việc quy đổi tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo 7 khối ngành cụ thể, chứ không tính chung chung như trước đây. Ngoài ra, những thông tin như tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm, thông tin sơ lược lý lịch của giảng viên (họ và tên, kèm theo ảnh, tuổi đời…) hoàn toàn không phải là quy định mới.
Tuy nhiên, nếu như Thông tư 09 không có quy định về hình thức xử lý vi phạm thì dự thảo lần này đưa hẳn hàng loạt nội dung xử phạt, như nếu công khai không đầy đủ nội dung, hình thức, thời gian quy định; công khai số liệu sai sự thật; không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo chậm thời gian, báo cáo sai sự thật... thì các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về công khai, tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với cơ sở giáo dục ĐH, nếu vi phạm các quy định về công khai thì phải chịu thêm các hình thức như có thể bị xem xét tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc đình chỉ tuyển sinh theo quy định hiện hành.
Phải có tính khả thi
Nhìn vào thực tế, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng: “Quy định công khai là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch, trung thực về thông tin cơ bản trong báo cáo đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường. Việc này xuất phát từ thực tiễn còn nhiều bất cập, tên của giảng viên đang xuất hiện nhiều nơi khác nhau, thể hiện sự trùng lắp, chưa chính xác. Tuy nhiên, để các quy định có giá trị thực thi, cần lưu ý tính hợp lý của quy định. Việc công khai thông tin là cần thiết, song bản chất của vấn đề kê khai và thực hiện thể hiện ở tính hợp lý, khả thi. Ví dụ: giảng viên cơ hữu thì phải thật, không thể cơ hữu nhiều nơi được. Nhưng giảng viên có quyền thỉnh giảng nơi khác. Với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ hiện nay, việc sử dụng nguồn lực cơ hữu ngay tại cơ sở giáo dục đó phải không được quá cứng nhắc. Các giảng viên cơ hữu thuộc các nhóm ngành gần trong một trường cần có “hệ số tương đồng”, vì giảng viên cơ hữu nhóm ngành này nhưng lại có nhiệm vụ với nhóm ngành khác (tương đồng). Làm được điều này thể hiện được năng lực thực sự của cơ sở đó. Tiếp theo, cần quy định rõ vấn đề thỉnh giảng giáo viên cho hợp lý. Người thầy cơ hữu ở cơ sở giáo dục này, nhưng nếu còn thời gian, họ có thể thỉnh giảng ở cơ sở khác đúng với chuyên môn, sẽ hay hơn nhiều so với việc giảng viên muốn tăng thu nhập (vốn thấp) thì phải làm thêm trái nghề (kinh doanh, mở cửa hiệu, cửa hàng…) để lại những câu chuyện đau lòng, không đáng có”.
Trong khi đó, Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, thẳng thắn: “Việc thực hiện số hóa các thông tin công khai về đội ngũ giảng viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo… là cần thiết. Song vấn đề là ở cách làm và làm như thế nào cho công bằng, hợp lý. Không chỉ riêng trường tôi, các trường công lập hiện nay tuy vẫn biết nhiều giảng viên cơ hữu của mình đứng tên ở trường này, trường kia, nhưng rất khó xử lý”.
Một cán bộ của một trường ĐH công lập tự chủ tại TPHCM trăn trở: “Tôi chú ý nhất là Điều 12 của dự thảo về xử phạt vi phạm, đây cũng là phần các trường quan tâm nhiều nhất. Bởi lẽ, các trường biết, Bộ GD-ĐT lại càng biết rất rõ, tại nhiều trường hiện nay có tỷ lệ lên cả 100 sinh viên/giảng viên. Điều này cho thấy thực tế nguồn giảng viên là thiếu, nhưng việc khai man, khai khống, việc các tiến sĩ cho trường này, trường kia mượn tên nhằm hợp thức hóa điều kiện xác định chỉ tiêu để tuyển sinh diễn ra rất phổ biến”. Cũng theo cán bộ này, chỉ sợ Bộ GD-ĐT nói mà không làm thôi, chứ nếu làm thì không chỉ trường ngoài công lập, mà ngay cả nhiều trường công lập cũng tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo.
Việc công khai trong giáo dục ĐH đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ khá lâu và trở thành một nếp văn hóa. Lộ trình từ năm 2009 đến nay để các trường xây dựng, hoàn thiện “văn hóa công khai” đã là quá đủ. Bây giờ, hơn ai hết, ngoài các trường công khai thật, thì chính Bộ GD-ĐT cũng cần công khai hơn đối với những đơn vị vi phạm thường xuyên.