Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng - Bắt đầu bằng những việc cụ thể

Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng - Bắt đầu bằng những việc cụ thể

“Nghị quyết nghe “to tát” quá, liệu có đem lại hiệu quả gì trong tình hình hiện nay hay không? Nghị quyết nghe thì hay nhưng liệu có đi vào thực tế cuộc sống được không?”. Tâm trạng băn khoăn, nhiều vấn đề chưa rõ về Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của cán bộ, đảng viên và nhân dân quận 2 TPHCM phần nào đã và đang được làm rõ từ những buổi quán triệt nghị quyết sinh động ngay tại phường, quận.

Bám sát thực tiễn để tuyên truyền

“Cơn bão số 1 vừa qua quét qua quận 2 trúng ngay ngày thứ hai - ngày đầu tuần nhưng lại là ngày cả nước được nghỉ bù lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Vậy là buổi sáng hôm ấy, chỉ một số cán bộ được phân công phải vào giải quyết tình hình mới có mặt tại trụ sở làm việc. Còn lại phần đông vẫn yên tâm tiếp tục nằm nhà nghỉ ngơi hoặc vi vu nghỉ mát ở đâu đó, không băn khoăn rằng cơ quan mình ra sao, người dân trên địa bàn mình có được an toàn không, nhà cửa, vườn tược trong vùng bão đi qua có bị tổn hại gì không? Như vậy thì đó là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, lối sống ích kỷ, chưa thật sự yêu dân, gần dân chứ còn gì!”.

Cán bộ quận 2 tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: CAO THĂNG

Cán bộ quận 2 tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: CAO THĂNG

Phân tích thấu đáo trên đây của một báo cáo viên bằng ví dụ là sự việc cụ thể đã xảy ra tại chính quận nhà khiến nhiều cán bộ, đảng viên đang học tập Nghị quyết Trung ương 4 ở quận 2 im lặng suy nghĩ. Thấp thoáng đằng sau những câu chữ ngắn gọn, có vẻ chung chung trong nghị quyết, mỗi người chợt nhận ra đâu đó có hành vi, bóng dáng của chính mình.

Từ khi bắt đầu đợt học tập, quán triệt nghị quyết đến nay, Quận ủy quận 2 đều sử dụng báo cáo viên là “người nhà” - tức các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Quận ủy, lãnh đạo quận chứ không mời cán bộ TP hay giảng viên từ các trường lớn về thuyết giảng. Báo cáo viên từ địa phương có ưu thế hiểu rõ tình hình của quận, phường nên có thể linh hoạt liên hệ thực tiễn vào bài nói chuyện. Cách thức học tập nghị quyết được xác định là làm sao phải thật cụ thể, thiết thực và gần gũi. Câu chữ dùng trong bài giảng nhất định không dùng những từ đao to búa lớn, không nói chuyện xa xôi ở cấp TP hay Trung ương mà nói chuyện ngay tại quận mình, phường mình. Không liên hệ đến thói hư, tật xấu tận đẩu tận đâu của “một bộ phận đảng viên” kiểu chung chung mà nói về những khiếm khuyết của đảng viên, cán bộ của chi bộ, đảng bộ mình.

Tại những buổi học tập nghị quyết, những trường hợp cán bộ lãnh đạo chỉ biết đưa ra kế hoạch rồi bỏ lửng không thực hiện, những đơn vị phụ trách về vấn đề chỉnh trang đô thị, đào đường rồi không tái lập lại đường cho dân đi, những cán bộ phụ trách bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thực thi công vụ vẫn chưa thật sự đồng cảm với những mất mát của người dân… đều được chỉ ra cụ thể. Từ đó, tập thể cán bộ đảng viên nhìn nhận được thực tế là đội ngũ của mình vẫn còn phải chấn chỉnh, sửa mình nhiều hơn nữa mới thật sự là cán bộ “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Thí điểm bổ nhiệm, bố trí cán bộ

Người dân đến liên hệ công việc ở quận 2 nhận xét: “Chỉ cần không đến quận một thời gian ngắn, trở lại là thấy cán bộ mới”. Nhận xét trên của người dân không phải không có cơ sở. Chỉ trong vòng ít tháng trở lại đây, Chánh văn phòng Quận ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy đã được điều động về làm Bí thư Đảng ủy phường. Riêng Bí thư Đảng ủy phường Thảo Điền nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy. Quan điểm của lãnh đạo quận 2 cho rằng luân chuyển cán bộ, cho cán bộ về cọ sát thực tiễn ở cơ sở là một trong những cách để “rèn” cán bộ, cũng là bước chuẩn bị lực lượng cán bộ kế thừa trong tương lai. Đây cũng là lộ trình để thực hiện nội dung về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nghị quyết Trung ương 4.

Đặc biệt mới đây, quận 2 đã bổ nhiệm mới 2 phó phòng quản lý đô thị thông qua cách thức mới: Ứng viên phải xây dựng đề án và chương trình hành động để báo cáo trực tiếp trước hội đồng thẩm định (Ban thường vụ Quận ủy). Đề án xây dựng phải bao gồm các nội dung: Trình bày về chuyên môn, sự hiểu biết về hệ thống chính trị ở cơ sở và nhận thức chính trị của bản thân. Riêng phần trình bày về chuyên môn phải bao gồm cả chương trình hành động, mục tiêu sẽ thực hiện nếu được trúng tuyển vào vị trí mới.

Được biết sắp tới, quận 2 sẽ tiếp tục thí điểm thực hiện cách làm này trong bố trí cán bộ ở các phòng ban của quận và cán bộ lãnh đạo cấp phường.


MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục