Thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội: Phát huy vai trò tích cực của mặt trận

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) từ nhiều năm nay chỉ là việc làm chung chung. Với việc được ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội, vai trò của mặt trận sẽ đi vào thực chất hơn.

Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã giao trách nhiệm cho hệ thống Mặt trận tổ chức thực hiện “Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách” trong đó có việc thực hiện hai định chế quan trọng để giám sát, phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đó là :

1- Quy chế giám sát của nhân dân (trực tiếp và gián tiếp) đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp.

2- Cơ chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nội dung tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm giúp cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hai định chế trên thuộc nhóm giải pháp thứ 3 được coi là quan trọng vì có liên quan tới việc biên chế lại các cơ chế, chính sách mới, tiến bộ để thay thế một số đã lạc hậu vốn làm trì trệ hoạt động của Đảng và Nhà nước, làm chậm đổi mới và gây ra lãng phí, tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, gây bất bình trong nhân dân.

Từ Đại hội IX, X tới XI, hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận đều được đề ra. Luật MTTQ Việt Nam có quy định hoạt động giám sát ở Điều 12, nhưng chưa có cơ chế và quy chế thực hiện nên hệ thống Mặt trận không thể phát huy vai trò tích cực và hiệu quả của mình. Các hoạt động giám sát chỉ nhằm “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật”.

Do vậy, hoạt động giám sát từ nhiều năm nay cũng chỉ là việc làm chung chung, vô thưởng vô phạt. Hoạt động giám sát chỉ là “động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát”, “tham gia hoạt động giám sát với cơ quan quyền lực nhà nước” và “tổng hợp ý kiến của nhân dân và thành viên Mặt trận kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biểu dương, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật” (Điều 12 Luật MTTQVN) nhưng kết quả và hiệu quả chưa theo mong muốn.

Lần này, Nghị quyết 4 đã giao nhiệm vụ cho hệ thống Mặt trận cụ thể và thiết thực, hơn nữa có giá trị như sau: “Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, trong đó có cơ chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Về mặt tổ chức thực hiện, Nghị quyết 4 đã chỉ đạo Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trình Bộ Chính trị ban hành.”

Như vậy, cơ chế, quy chế giám sát và phản biện xã hội đề ra trong Nghị quyết 4 của BCH Trung ương Đảng khóa XI sẽ có hiệu lực và giá trị rất cao, chắc chắn sẽ giúp cho toàn bộ hệ thống MTTQ trong cả nước phát huy được vai trò tích cực và quan trọng của tổ chức mình nhằm tham gia cùng Đảng các cấp tổ chức thực hiện thắng lợi cao nhất Nghị quyết 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, sẽ tạo được niềm phấn khởi và sự đồng tình của nhân dân trong cả nước.

Vương Liêm (Hội Người cao tuổi quận 1)

Tin cùng chuyên mục