Thực hiện quy hoạch cụm cảng biển TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng số 5)

“Không để nhà đầu tư thất vọng!”
Thực hiện quy hoạch cụm cảng biển TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng số 5)

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Minh Sanh:
“Không để nhà đầu tư thất vọng!”

Thực hiện quy hoạch cụm cảng biển TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng số 5) ảnh 1

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương nằm trong vùng quy hoạch cụm cảng số 5 thu hút được nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới về cảng biển. Ngoài lợi thế có khoảng 70 km bờ biển với nhiều sông lớn như Cái Mép, Thị Vải có độ sâu thích hợp cho phát triển cảng biển hiện đại, điều gì đã làm cho Bà Rịa-Vũng Tàu hấp dẫn nhà đầu tư? Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ảnh) cho biết:

  • Lắng nghe doanh nghiệp
Thực hiện quy hoạch cụm cảng biển TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng số 5) ảnh 2

Bốc dỡ hàng tại một cảng trên sông Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: THÀNH TÂM

Trong quy hoạch cụm cảng số 5, hệ thống cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu được xác định là hệ thống cảng cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và việc phát triển cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu còn là một điều kiện quan trọng cho việc thực hiện di dời cảng biển trong nội thành, TP HCM, giúp TP HCM chống ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Với trách nhiệm nặng nề ấy, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định phải tạo mọi điều kiện để phát triển cảng biển. Trong đó quan trọng nhất là phải tạo được một thái độ “thân thiện” với doanh nghiệp. Đó là phải lắng nghe doanh nghiệp… Bản thân tôi, cứ thứ năm hàng tuần, là dành ra một khoảng thời gian nhất định để tiếp xúc với doanh nghiệp… nghe họ trình bày những khó khăn và giúp họ giải quyết ngay những khó khăn ấy. Về phía UBND tỉnh, vào thứ hai hàng tuần cũng có lịch tiếp dân và doanh nghiệp. Mọi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp thường được giải quyết ngay. UBND tỉnh quan niệm: Chính quyền có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư, không vì một lý do gì (trừ ý muốn chủ quan của doanh nghiệp) mà doanh nghiệp đã đến Bà Rịa-Vũng Tàu lại phải bỏ đi.

Trong quy hoạch nhóm 5, hai khu cảng có thể đầu tư và xây dựng cảng nước sâu tốt nhất là khu vực Cái Mép và Thị Vải. Trước mắt cụm cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có vai trò hỗ trợ cho cụm cảng khu vực TP Hồ Chí Minh, khu vực tỉnh Đồng  Nai.

Về lâu dài, cụm cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có vai trò là cụm cảng chính (cảng cửa ngõ) của vùng KTTĐ phía Nam, được quy hoạch để đáp ứng xu thế phát triển về cảng biển và hàng hải trong khu vực và trên thế giới.

- Thưa ông, một số tỉnh, thành khác đã có rất nhiều bài học về sự quá tả khi “thân thiện” với doanh nghiệp. Đó là nhà đầu tư nào cũng được tiếp nhận mà không có sự chọn lựa. Và hậu quả là sự phát triển manh mún, không hiệu quả, đặc biệt để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường…

Chúng tôi có những tiêu chí rất cụ thể khi tiếp nhận đầu tư, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là hiệu quả sử dụng đất, hàm lượng công nghệ cao trong mỗi suất đầu tư và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường.

Những tiêu chí này được công bố công khai, rõ ràng cho doanh nghiệp…Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua chúng tôi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn…ví dụ đã có một nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư lên đến hơn 1,1 tỷ USD để xây dựng cảng, khu công nghiệp trong một diện tích khoảng 130 ha. Và chúng tôi cũng đã từ chối nhiều doanh nghiệp khi họ không đưa ra được phương án bảo vệ môi trường tốt.

- Riêng trong lĩnh vực đầu tư cảng biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra tiêu chí ưu tiên nào?

Hiện đại. Tất cả cảng biển phải được xây dựng hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu hiện tại và có cơ sở để phát triển trong tương lai.

  • Quy hoạch đi trước một bước

- Hiện nay, thời gian làm thủ tục đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu mất bao lâu thưa ông?

Tùy từng dự án. Nếu là dự án được thực hiện ở những nơi đã có quy hoạch và phù hợp với quy hoạch thì thời gian làm thủ tục đầu tư chỉ khoảng 5-7 ngày. Nếu dự án ở những nơi chưa có quy hoạch thì UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu và trả lời ngay cho doanh nghiệp trong vòng 1 tháng.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay chúng tôi đã có quy hoạch chung cho cả tỉnh và quy hoạch chi tiết cho nhiều huyện. Mọi vấn đề đầu tư sẽ được xem xét trên cơ sở các quy hoạch này. Những nơi chưa có quy hoạch đang được nhanh chóng “phủ” quy hoạch.- Đầu tư vào cảng biển thường phải “tốn” rất nhiều đất…Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người dân sẽ phải di dời để dành mặt bằng cho xây dựng cảng. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng này thế nào?

Thực hiện quy hoạch cụm cảng biển TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng số 5) ảnh 3
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh

Một trong 4 chương trình lớn của chúng tôi trong năm nay là tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là những khiếu nại liên quan đến đất đai. Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình “hộp thư thoại nóng” để qua đó người dân có thể trình bày những bức xúc của mình. UBND tỉnh sẽ lắng nghe và giải quyết ngay những vấn đề này.

Tất nhiên, bên cạnh việc giải quyết khiếu nại, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những chính sách đền bù hợp lý cho dân. Trong chương trình hoạt động của mình, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn có kế hoạch thu hút đầu tư xây dựng sân gofl, các khu nghỉ dưỡng… tạo điều kiện ăn, ở, vui chơi “khép kín” cho các nhà đầu tư. Những việc ấy cũng sẽ cần đến rất nhiều đất.

- Trước khi đến gặp ông, chúng tôi đã đi thực tế dọc bờ sông Thị Vải-Cái Mép, nơi được xác định sẽ tập trung phát triển các cảng lớn của Bà Rịa-Vũng Tàu… Khung cảnh ở đây vẫn khá lặng lẽ so với những gì ông nói về đầu tư cảng. Phải chăng nhiều dự án đầu tư cảng vẫn nằm trên giấy? Có hiện tượng dự án “treo” trong lĩnh vực này không?

Nhiều dự án còn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư chứ không phải…nằm trên giấy. Khoảng 6 tháng một lần, chúng tôi lại họp với các nhà đầu tư để kiểm điêåm tiến độ thực hiện dự án. Những vướng mắc, khó khăn sẽ được cùng nhau giải quyết trước khi xem xét thu hồi lại dự án. Nhìn chung, tất cả các nhà đầu tư vào cảng biển đều đang nỗ lực thực hiện dự án của mình.

Hiện nay, 25km bờ nước có thể làm cầu cảng với hơn 3.000 ha đất dành cho phát triển cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã được các dự án “lấp kín” gần hết. Thế nhưng, phải đến khoảng 2015, hoạt động cảng biển ở khu vực Cái Mép-Thị Vải mới thực sự sôi động.

- Cảm ơn ông.

NGUYỄN KHOA


Sức hút... cảng biển

Ngày 8-2-2007 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu đã cấp giấy phép đầu tư cho dự án cảng Quốc tế Sài Gòn Việt Nam. Có thể nói rằng, đến thời điểm này các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Ông Trần Tấn Phúc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (PortCoast), đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước trong lĩnh vực cảng - công trình biển, điểm tên: Hutchison Ports (Hongkong)- nhà vận hành và khai thác cảng container hàng đầu thế giới; PSA (Singapore) nhà vận hành và khai thác cảng đứng hàng thứ 2; P&O Ports - Dubai World (Anh và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất), APM Terminal (Maersk A/S - Đan Mạch) và SSA Marine (Mỹ),...

Cùng với sự xuất hiện của các nhà đầu tư, Việt Nam cũng đã nhanh chóng cấp phép đầu tư cho những doanh nghiệp này. Tháng 6-2006, dự án Cảng container Trung tâm Sài Gòn được cấp phép; tháng 10-2006, dự án Cảng container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA được cấp phép; tháng 12-2006 là Cảng quốc tế SP-PSA và Cảng quốc tế Cái Mép; tháng 2-2007 là Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam. Trong đó, có Cảng Sài Gòn - SSA Marine, Cảng quốc tế Cái Mép, Cảng quốc tế SP – PSA, Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam được có giấy phép đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảng container Trung tâm Sài Gòn ở TPHCM. Các dự án này sẽ đồng loạt khởi công trong năm 2007 và sẽ đi vào hoạt động khoảng những năm 2009-2010.

Cũng theo ông Phúc, một hệ thống cảng nước sâu thuộc quy hoạch nhóm cảng số 5 với một loạt cảng có quy mô hiện đại, cho tàu trọng tải 50.000 - 80.000DWT ra, vào hình thành và phát triển sẽ giúp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển mạnh mẽ. Tất cả đang cùng tạo nên một tương lai khởi sắc cho thị trường vận tải biển Việt Nam.

THU TRINH

Sản lượng khai thác và mạng lưới toàn cầu của các tập đoàn lớn nêu trên (xem bảng):

Thực hiện quy hoạch cụm cảng biển TPHCM - Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng số 5) ảnh 4

(Nguồn: PortCoast)

Tin cùng chuyên mục