Thực hiện quy hoạch đô thị thích ứng với BĐKH

Hầu hết công trình, dự án đều có tính thích ứng với BĐKH
Thực hiện quy hoạch đô thị thích ứng với BĐKH

Biến đổi khí hậu đang ngày một ảnh hưởng tiêu cực đến TPHCM. TPHCM sẽ làm gì để thích ứng với hiện tượng thiên tai khắc nghiệt ấy? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TPHCM.

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị tại TPHCM tăng hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh: Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi chỉnh trang) Ảnh: CAO THĂNG

Hầu hết công trình, dự án đều có tính thích ứng với BĐKH

- Phóng viên: Thưa ông, trong các chương trình, công trình thích ứng với BĐKH năm nay, ông sẽ chọn chương trình, công trình nào giữ vai trò đòn bẩy và tại sao? Ông dự định sẽ triển khai chương trình, công trình đòn bẩy này như thế nào?

>> Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, năm 2016, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện, đồng thời bắt đầu triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020, theo tinh thần Quyết định số 2838/QĐ-UBND ngày 11/06/2014 của UBND TPHCM về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 34-CTrHĐ/TU của Thành ủy TPHCM và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cũng đã chọn lựa những nhiệm vụ, chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện xuyên suốt cho cả giai đoạn.

Đặc biệt, năm 2016 Thường trực Ban chỉ đạo sẽ nghiên cứu xây dựng “Quy hoạch phát triển đô thị nhằm thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Nhiệm vụ này đã có chủ trương của UBNDTP. Đây là nhiệm vụ rất mới và rất khó bởi có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nên dự kiến sẽ thực hiện trong 02 năm 2016-2017.

Cũng phải nói, hầu hết các dự án/công trình hiện đang triển khai trên địa bàn TPHCM đều có tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính thích ứng của chúng thể hiện trong việc chọn lựa giải pháp thực hiện, cách thức thực hiện…Ví dụ như các dự án xây dựng đường cao tốc, cầu đường, các dự án phát triển đô thị, nhà ở, dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xử lý chất thải tái sinh năng lượng, các dự án sử dụng năng lượng mặt trời… đều được tính toán theo hướng giúp thành phố giảm ngập, phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường. Tất cả các dự án/công trình đều có mục tiêu đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Thực hiện nghiêm các dự án/công trình theo đúng mục tiêu đã đề ra không những là nguyên tắc là quy định của Nhà nước mà còn là yêu cầu để dự án/công trình phát huy tác dụng cao nhất trong thích ứng với BĐKH.

Nếu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, xem như TPHCM cơ bản thích ứng được với BĐKH giai đoạn 2016-2020 và sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, vai trò của lãnh đạo ban chỉ đạo là rất lớn, phải kết nối được các sở ngành, chỉ đạo quyết liệt phân công nhiệm vụ và kiểm tra tiến độ thường xuyên.

- Hiện nay, hầu hết các chương trình, công trình thích ứng với BĐKH của TPHCM thường được tổng hợp từ nhiệm vụ của các sở ngành liên quan. Văn phòng thích ứng với BĐKH sẽ tập hợp lại và xây dựng thành kế hoạch chung cho thành phố. Theo nhiều chuyên gia, cách làm này sẽ giúp tổng hợp được tất cả các chương trình, công trình song sự kết nối, hỗ trợ giữa chúng lại không cao. Ông nghĩ sao về ý kiến này? Theo ông phải làm gì để hoạt động thích ứng với BĐKH của thành phố vừa mang tính tổng hợp vừa mang tính tương trợ, phối hợp nhịp nhàng, làm có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra sức mạnh chung?

Để có một kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tổng thể, toàn diện trên nhiều lĩnh vực thì quy trình nêu trên gần như là bắt buộc và Ban chỉ đạo đã thực thi trong giai đoạn vừa qua. Vấn đề là khi triển khai kế hoạch hành động cần có sự chỉ đạo quyết liệt ở các lãnh đạo đầu ngành và cần phải có sự kết nối giữa chúng. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý có phần “chồng chéo”, thiếu sự kết nối. Chưa kể, nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác này ở nhiều ngành còn hạn chế. Văn bản pháp luật, chính sách thực thi các chương trình/dự án ứng phó BĐKH chưa đủ và chưa cụ thể.

Để hoạt động thích ứng với BĐKH của thành phố vừa mang tính tổng hợp vừa mang tính tương trợ, phối hợp nhịp nhàng và đưa đến kết quả cao hơn, điều trước tiên phải đưa toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Cán bộ lãnh đạo phải thấu hiểu và nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình/công trình/dự án liên quan đến thích ứng với BĐKH một cách đồng bộ. Mặc dù chưa phải là hoàn thiện, nhưng với cách làm, vận hành hệ thống như hiện nay, TPHCM đang là địa phương gần như là duy nhất trên cả nước đưa toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước (UBND thành phố, các sở, ban, ngành, các quận/huyện, phường/xã) tham gia vào các hoạt động thích ứng với BĐKH.   

Để tạo ra sức mạnh chung là phải đưa toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Vấn đề là BĐKH hiện nay là khái niệm còn rất mới, chưa phổ biến rộng rãi và được hiểu một cách sâu sắc. Vậy vấn đề trọng tâm khác nữa là phải tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và phải xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện địa phương. Những việc này vừa có tính cấp bách nhưng cũng vừa có tính lâu dài phải thực hiện.

Chế tài và công tác thực thi đồng bộ, rất quan trọng

- Còn rất nhiều hiện tượng đi ngược lại quá trình thích ứng với BĐKH như vứt rác bừa bãi xuống kênh rạch vừa được nạo vét xong, vứt rác vào hố ga thu nước; không tiết kiệm khi sử dụng điện, nước, chưa ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng… Tất cả những điều này chứng tỏ ý thức bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH của người dân vẫn còn hạn chế. Sắp tới, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH nói chung và Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có những biện pháp nào hoặc đề xuất giải pháp cho thành phố nhằm tăng cường xử lý tình trạng này?

Vấn đề này đã được những người có trách nhiệm, chuyên gia… trao đổi rất nhiều và hầu hết các ý kiến đều thống nhất: phải vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức, phải vừa có biểu dương hành động tốt và phải có xử lý hành động xấu. Đi theo đó: phải có con người thực thi và việc này phải được thực hiện đồng bộ, quyết tâm ở tất cả các cấp quản lý từ thành phố đến quận huyện và phường xã. Hiện nay, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đang thực hiện rất tốt vấn đề này, chủ yếu do dân cư sống tại đây có ý thức và cơ sở hạ tầng khá tốt. Những vấn đề vừa nêu trên, thành phố cũng đã làm, nhưng vẫn phải tiếp tục, đặc biệt là phải tăng cường công tác kiểm tra ở địa phương tại khu dân cư. Ngoài ra, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá. Chương trình này nếu thực hiện tốt sẽ góp phần đáng kể trong việc tăng hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

- Hoạt động hợp tác với các tổ chức nước ngoài trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH trong năm tới có gì đột phá?

Từ 2009 đến nay, thành phố hợp tác chủ yếu với Hà Lan (thành phố Rotterdam) về quản lý nước thích ứng với BĐKH, nâng cao năng lực cán bộ quản lý và với Nhật Bản (thành phố Osaka) về quản lý chất thải, tái sử dụng nước và nâng cao năng lực cán bộ quản lý… Giai đoạn tiếp theo (2016- 2020) sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước khác như Hàn Quốc, Mỹ, Úc và khối EU, tiếp cận với các nguồn vốn BĐKH. Trong năm tới, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, thành phố hiện có như Tổ chức C40, Tổ chức CDC, thành phố Rotterdam và Osaka để triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020, tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác đã ký kết và phát triển thêm các nội dung mới.

Cũng xin nói thêm, cách đây 10 năm thành phố đã đề xuất  thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế theo các phương thức: Nhà nước - thành phố (government to city), thành phố - thành phố (city to city), công ty - thành phố (company to city) và công ty - công ty (companies to companies) để giảm tính thủ tục và rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hiện các dự án. TPHCM đã triển khai rất thành công phương thức này và sẽ kiên trì thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế theo các phương thức trên.

- Cảm ơn ông!

Nguyễn Khoa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục