
Trong 9 tháng đầu năm 2006, tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép của thành phố (kể cả tăng vốn) khoảng 1,3 tỷ USD, tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ. Điều này cho thấy môi trường đầu tư đã có những chuyển biến tích cực. Chúng tôi trao đổi vấn đề này với ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM.
- Phóng viên: Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TPHCM từ đầu năm đến nay tăng khá cao so với cùng kỳ, theo ông, vì sao?

Vận hành dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận.
Ảnh: CAO THĂNG
Ông Thái Văn Rê: TPHCM có cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội như dịch vụ tài chính ngân hàng, hệ thống giao thông, hệ thống cảng biển, lực lượng lao động có tay nghề cao và có kỷ luật lao động… là những điều kiện hết sức quan trọng để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ngoài ra, có thể ghi nhận những nỗ lực của các sở, ban ngành trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài việc Chính phủ có những điều chỉnh về mặt cơ chế chính sách, sửa đổi và ban hành hàng loạt các luật mới phù hợp với luật pháp quốc tế, TPHCM còn thực hiện cải cánh hành chính để tạo điều kiện liên thông giải quyết công việc.
Các sở, ban ngành phát huy tính chủ động, giảm bớt và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Lãnh đạo TPHCM đã tiến hành nhiều cuộc xúc tiến thương mại đầu tư qui mô lớn trong và ngoài nước, trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
- Như vậy, Sở KH-ĐT chắc có nhiều cải tiến trong quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Trong thời gian qua, Sở KH-ĐT đã có một số đổi mới trong quy trình thủ tục cấp phép. Từ tháng 4-2004, Sở thực hiện việc cấp phép qua mạng cho các dự án thuộc diện đăng ký. Thời gian cấp phép là 2 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (giảm 13 ngày so với quy định). Sở cũng thực hiện ISO trong quy trình cấp phép cho hai loại sản phẩm là dự án đăng ký và dự án thẩm định. Việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ giúp tối ưu hóa các bước thực hiện công việc và tạo ra các tiện ích tốt nhất cho nhà đầu tư.
Đối với các dự án cấp phép không qua mạng, Sở KH-ĐT cũng đã rút ngắn thời gian cấp phép nhờ tổ chức sắp xếp hình thức một cửa tiếp nhận và trả hồ sơ theo đặc thù nghiệp vụ nhằm tạo sự thông thoáng, thuận tiện. Thủ tục hồ sơ không ngừng được đơn giản hóa, quy trình giải quyết công việc được rút ngắn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khách hàng đến giao dịch ngày một tốt hơn. Trong đó, hệ thống công nghệ thông tin thường xuyên được đầu tư để đạt sự nhanh chóng và chính xác.
- Người ta ví một cửa trong cải cách hành chính như một “lá bùa” thúc đẩy công việc. Cụ thể là gì, thưa ông?
Với Quyết định 236/2004/QĐ-UB của UBND TPHCM (ngày 14-10-2004) về ban hành quy định thủ tục, trình tự cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài trên địa bàn, Tổ công tác liên ngành gồm tất cả các cơ quan, ban, ngành các quận, huyện có liên quan do giám đốc Sở KH-ĐT làm tổ trưởng (gọi là Tổ 236) đã ra đời.
Chúng tôi quy định chi tiết về cơ chế phối hợp của từng đơn vị. Mọi vấn đề về hướng dẫn thủ tục đầu tư, hỗ trợ các thủ tục hành chính, các vấn đề liên quan đến đất đai đều quy định rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện. Sở KH-ĐT làm đầu mối trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan trong việc thẩm định hồ sơ và giải quyết các vấn đề về đầu tư nước ngoài.
UBND TP phân công một Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện; báo cáo xin ý kiến Thường trực Ủy ban giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền; trong trường hợp cấp bách, báo cáo trực tiếp xin ý kiến Chủ tịch UBND TP. Đây là hoạt động quan trọng và nổi bật nhất trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư của TPHCM.
- Quá tình hội nhập WTO đòi hỏi phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng và bình đẳng. TPHCM đã làm điều này như thế nào?
Sở KH-ĐT chủ động kiến nghị UBND TP bổ sung, thay đổi những văn bản quy phạm pháp luật trong việc ủy quyền, phân cấp quản lý dự án đầu tư trong nước, công tác đấu thầu, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trong đó, đề nghị sửa đổi Quyết định 236 về cơ chế phối hợp để phù hợp với quy định mới của Luật Doanh nghiệp là giảm thời gian cấp phép bình quân 5 ngày.
Đáp ứng hoạt động này, Sở KH-ĐT cần phải điều chỉnh hàng loạt vấn đề khác như làm lại quy trình ISO, viết lại phần mềm máy tính cho phù hợp yêu cầu mới, thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; triển khai xây dựng chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM…
VĂN MINH HOA thực hiện