Trong những ngày cận tết, tại TPHCM, thị trường thực phẩm khô ở các chợ bán sỉ đang sôi động. Để chạy theo lợi nhuận, các tiểu thương không ngần ngại đưa những sản phẩm “3 không” (không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng) xen lẫn những sản phẩm đạt chất lượng để bán cho người tiêu dùng.
Đầy rẫy hàng “thùng”
Thực phẩm khô trên thị trường mùa tết rất đa dạng, như nông sản sấy (mít, chuối, sen…) và các loại khô cá, bò, nai, mực, lạp xưởng… Hầu hết các sản phẩm này đều “3 không”, khiến người tiêu dùng mù mờ về chất lượng và an toàn vệ sinh. Dù đã nhiều lần báo chí phản ánh, cảnh báo về tình trạng thực phẩm khô “3 không” bán tràn lan, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa mạnh tay quản lý chất lượng sản phẩm.
Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đến chợ An Đông (quận 5) vào buổi trưa, thời điểm người mua ít và ghi nhận có rất nhiều người chở đến chợ những thùng hàng carton không có bất kỳ chữ, hình ảnh nào, rồi khiêng vào chợ giao cho các sạp bán thực phẩm khô. Tại một sạp đang vắng người mua, chị tiểu thương mở thùng hàng, lấy ra từng miếng khô bò mà không dùng bao tay, rồi bỏ vào bịch ni lông bày bán trên kệ. Điều đáng nói là khi người mang các thùng hàng “3 không” vào giao cho tiểu thương trong chợ, không có ai kiểm tra.
Cũng như tại chợ An Đông, tại nhiều chợ bỏ mối thực phẩm khô cho các tỉnh như Bình Tây, Bến Thành… và các chợ bán lẻ như Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám, Tân Bình… đều tràn lan các thực phẩm khô “3 không”. Không cần người quen giới thiệu, chúng tôi ghé vào sạp của một tiểu thương ở chợ Bình Tây, nơi chuyên bỏ sỉ mặt hàng khô, xưng là tiểu thương ở tỉnh đang cần nguồn hàng thực phẩm khô để mua về bán. Người bán giới thiệu có rất nhiều loại I, II, III với giá khác nhau, tất cả đều có giấy kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm của một cơ sở thương hiệu có tiếng, nhưng phải mua với số lượng lớn, đưa tiền đủ. Nếu muốn thêm bao bì có nhãn mác thì hàng luôn có sẵn, mang về tự đóng.
Theo bà Sử Thị Kim Thoa, Phó Ban quản lý Trung tâm Thương mại An Đông, ban quản lý chỉ có thể nhắc nhở tiểu thương về việc để hàng thực phẩm lên cao nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh. Với những thùng hàng không có nhãn mác được đưa vào chợ, Ban quản lý chỉ kiểm tra giấy tờ nhập hàng vào, chứ không có thẩm quyền kiểm tra chất lượng. Chỉ có đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp mới có thể lấy mẫu thử để kiểm tra nhanh, mới biết được sản phẩm có kém chất lượng hay không.
Tập trung kiểm tra các mặt hàng khô
Một chủ cơ sở sản xuất thịt khô bò nổi tiếng chia sẻ: “Chợ truyền thống vẫn là nơi tiêu thụ hàng thực phẩm khô nhanh nhất, gấp nhiều lần so với siêu thị, do đó cơ sở sản xuất phải trông cậy rất lớn vào tiểu thương để tiêu thụ thực phẩm khô. Trong thế đó, nhiều tiểu thương đã ép cơ sở sản xuất khi đưa hàng xuống không cần đóng bao bì theo dạng bịch ni lông, mà phải đưa xuống từng thùng giấy carton khoảng 20, 30kg. Khi có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì các tiểu thương nhập thêm hàng xá (hàng kém chất lượng) trộn vào hàng có thương hiệu để bán đến người tiêu dùng. Mà hàng xá dễ dàng đánh lừa người thường chứ khó với người trong nghề”.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP, cho biết: “Thực hiện chỉ thị của UBND TP về tăng cường kiểm tra các mặt hàng thực phẩm ở các chợ truyền thống, QLTT đã kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra lấy mẫu mặt hàng ở chợ để phát hiện ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng. Trạm thú y phải kiểm tra nguồn gốc thịt; trung tâm y tế dự phòng kiểm tra VSATTP; còn QLTT kiểm tra giấy tờ. Ngoài ra, còn có đội đi kiểm tra đột xuất không theo giờ cố định, đề phòng các tiểu thương đưa hàng kém chất lượng vào chợ, nhất là những sạp tập kết hàng số lượng lớn đưa về các tỉnh”.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, cho biết: “Đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng khô kinh doanh dịp tết để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong ngày tết. Các đội thuộc quận cũng phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra thường xuyên chất lượng mặt hàng khi đưa vào buôn bán tại chợ. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm không đủ chuẩn thì sẽ yêu cầu tiểu thương ngưng bán ngay sản phẩm đó, niêm phong và báo cho cơ sở sản xuất phải ngưng đưa hàng ra thị trường trong vòng 3 ngày để đoàn liên ngành kiểm tra lại về nguồn gốc hàng hóa, quy trình, điều kiện môi trường kinh doanh, mới cho bán lại trên thị trường”.
THANH HẢI