Thực phẩm nhiễm phóng xạ - Không đáng lo bằng môi trường nhiễm

Australia, Canada và Singapore trở thành 3 nước mới nhất trong hàng loạt nước cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản vì e ngại khả năng nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trước đó, Mỹ và đặc khu Hồng Công (Trung Quốc) cũng đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản.
Thực phẩm nhiễm phóng xạ - Không đáng lo bằng môi trường nhiễm

Australia, Canada và Singapore trở thành 3 nước mới nhất trong hàng loạt nước cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản vì e ngại khả năng nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trước đó, Mỹ và đặc khu Hồng Công (Trung Quốc) cũng đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản.

  • Phân loại chất phóng xạ

Ít nguy hiểm nhất là chất phóng xạ iodine 131. Nó có thể tự hủy trong môi trường trong vòng vài tuần. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, nếu con người tiêu thụ thực phẩm nhiễm chất phóng xạ iodine, sức khỏe chỉ có thể bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn.

Chất phóng xạ iodine từ thực phẩm ở mức độ cao hay trong không khí có thể tích tụ trong tuyến giáp, nặng nhất mới dẫn đến ung thư tuyến giáp vào những năm sau đó. Ung thư tuyến giáp ít gây tử vong nếu được điều trị đúng. Mặt khác, có thể uống viên potassium iodide để ngăn tuyến giáp hấp thu chất phóng xạ iodine.

Trong vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, có hàng ngàn ca ung thư tuyến giáp vì đã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời trẻ em uống sữa có nhiễm chất phóng xạ iodine và trẻ em trong khu vực gần nhà máy cũng đã không được uống potassium iodide.

Chất phóng xạ cesium nguy hiểm hơn. Nó có thể tích tụ trong cơ thể và khó loại trừ. Lâu dần, nó có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau. Chất phóng xạ strontium 90 và plutonium 239 cũng là những chất phóng xạ gây nguy hiểm lâu dài. Trong đó, chất plutonium độc hại nhất với con người nhưng thông qua tiếp xúc chứ không qua thực phẩm.

Một đầu bếp nhà hàng Hồng Công ở Kyushu, Nhật Bản kiểm tra mức độ phóng xạ của hải sản trước khi nấu. Ảnh: Reuters

Một đầu bếp nhà hàng Hồng Công ở Kyushu, Nhật Bản kiểm tra mức độ phóng xạ của hải sản trước khi nấu. Ảnh: Reuters

  • Quá trình nhiễm phóng xạ từ thực phẩm

Cần phân biệt rằng chất phóng xạ không gây hại cho thực phẩm nhưng chất phóng xạ nằm trong thực phẩm sẽ gây hại cho con người. Các tia gamma để khử trùng thực phẩm hay sóng trong các lò viba đều không thể gây hại cho thực phẩm. Trái lại, chúng giúp khử trùng thực phẩm, làm tăng thời gian bảo quản.

Tuy nhiên, lượng phóng xạ có trong thực phẩm lại là chuyện khác. Khi con người ăn thực phẩm nhiễm phóng xạ, các chất phóng xạ sẽ được giải phóng năng lượng, làm hại hoặc phá hỏng các tế bào. Nó hoạt động kiểu như một lò vi sóng trong người, làm nóng bên trong cơ thể.

Tế bào bị làm nóng sẽ bị tổn thương ở nhiều mức độ, nặng nhất là bị phá hủy khiến con người bị bệnh, yếu đi và sau đó tử vong. Nhẹ hơn có thể tạo ra các tế bào dị dạng. Các tế bào dị dạng này có thể nhân rộng gây ung thư. Đó là hậu quả lâu dài nhất của chất phóng xạ có trong thực phẩm. Mức độ nhiễm phóng xạ của con người thông qua thực phẩm và nước uống phụ thuộc vào thời gian nhiễm và nồng độ phóng xạ.

Theo bác sĩ Mỹ Clifford Chao, chuyên gia về chẩn đoán phóng xạ tại Bệnh viện New York - Presbyterian, một người nếu ăn khoảng hơn 900g rau spinach với mức nhiễm phóng xạ iodine cao nhất sẽ tương đương với lượng phóng xạ nhận được khi chụp CT vùng đầu. Những ai uống sữa với nồng độ phóng xạ iodine cao nhất trong vòng 2 tuần cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Người mẹ khi nhiễm chất phóng xạ iodine có thể truyền sang con thông qua sữa mẹ. Vì vậy, nên cho trẻ uống potassium iodide.

Cây cối nhiễm phóng xạ phần lớn do rễ hút chất phóng xạ có trong đất. Vật nuôi có thể nhiễm chất phóng xạ thông qua thức ăn nhiễm phóng xạ, sau đó thịt và sữa của chúng cũng nhiễm phóng xạ. Hải sản cũng có thể nhiễm phóng xạ từ nước biển nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, những thực phẩm nhiễm phóng xạ iodine có thể vô hại sau vài tháng.

Đối với chất phóng xạ cesium, nó có thể tồn tại trong đất 30 năm. May mắn là chất phóng xạ này tồn tại chỉ vài inch trên bề mặt của đất nên có thể cày sâu, bỏ phần đất phía trên là có thể trồng rau quả an toàn. Nếu vật nuôi đã bị nhiễm phóng xạ, cần được nuôi bằng thực phẩm sạch (không nhiễm phóng xạ) vài tháng cho tới khi chất phóng xạ cesium trong cơ thể chúng giảm xuống mức an toàn.

Thế nhưng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những thức ăn đã chế biến sẵn trong đồ hộp không thể nhiễm phóng xạ cho dù ở trong vùng phóng xạ.

  • Xử lý ô nhiễm phóng xạ mới là vấn đề

Quanh chúng ta, chất phóng xạ có trong đất đá, cây cỏ, nước, không khí... tuy phân bổ không đồng đều. Vì hàm lượng phóng xạ trong môi trường phụ thuộc vào vị trí địa lý, kiến tạo địa chất, loại cây cỏ, tình trạng sinh sống của con người, kể cả vật liệu xây dựng và kiến trúc nhà ở... Phổ biến nhất là đồng vị phóng xạ Kali (K-40) và các hạt nhân trong dãy phóng xạ Urani và Thori.

Các chất phóng xạ và các tia bức xạ cũng có thể từ trên vũ trụ. Các chất phóng xạ có trong tự nhiên tồn tại trong môi trường ở mọi dạng: rắn, lỏng và cả khí. Bằng nhiều con đường, các chất phóng xạ đó tiếp cận với con người. Qua mũi và miệng, chúng có thể thâm nhập vào bên trong cơ thể.

Rõ ràng, nói một cách hình ảnh, thế giới chúng ta sống chìm ngập trong bức xạ. Cơ thể chúng ta luôn phải tiếp xúc với một lượng nhỏ phóng xạ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh dịch Mỹ, khoảng 80% sự tiếp xúc này đến từ các nguồn tự nhiên và 20% còn lại từ các nguồn phát xạ nhân tạo, chủ yếu là chụp X-quang.

Nhìn chung, các nhà khoa học không tìm thấy lượng phóng xạ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày gây ra nguy hiểm gì. Con người không thể trốn tránh, chỉ có thể và nên lựa chọn cũng như bảo đảm cho mình một môi trường phóng xạ hợp lý nhất để liều chiếu hiệu dụng hàng năm không vượt quá giới hạn quy định 1mSv.

Nhưng phóng xạ nhân tạo từ các nhà máy điện hạt nhân sẽ có tác hại lớn hơn. Trong một vụ nổ hạt nhân, mọi người tiếp xúc với một lượng lớn phóng xạ trong một thời gian ngắn có thể xuất hiện hội chứng nhiễm xạ cấp tính (ARS).

Trong vòng vài giờ đầu sau khi tiếp xúc, người nhiễm xạ có thể thấy buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy và da bị sạm đen. Qua thời gian, phóng xạ có thể gây hủy hoại tủy xương và gây ra xuất huyết nội cũng như các bệnh nhiễm trùng khác. Hầu hết những người không hồi phục được sau cơn ARS sẽ chết trong vòng vài tháng.

Sau khi gặp sự cố hạt nhân như trường hợp tại nhà máy Fukushima, người dân được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn an toàn. Tốt nhất là ở trong nhà, đóng và khóa tất cả các cửa ra vào, cửa sổ; tắt quạt, điều hòa không khí hoặc bất kỳ thiết bị nào làm cuộn khí từ ngoài vào; chui xuống hầm hoặc vào phòng hẹp.

Theo các chuyên gia, nếu chính phủ và người dân phản ứng kịp thời, hầu hết dân chúng sẽ không bị tổn hại đáng kể. Ưu tiên hàng đầu là sơ tán người dân ở khu vực xung quanh nhà máy và đảm bảo rằng họ không ăn uống những thực phẩm nhiễm xạ.

Như đã nói, chất phóng xạ cesium nguy hiểm hơn nhiều so với chất phóng xạ iodine. Sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, vấn đề nhiễm xạ kéo dài rất lâu tại nhiều nước châu Âu, dẫn đến việc hạn chế bán sữa và bò sữa.

Theo báo cáo vào năm 1993 của IAEA, 6 năm sau vụ tai nạn Chernobyl, các nông trại tại một vùng núi của Na Uy, cách nhà máy Chernobyl hơn 1.000km, người ta vẫn còn phát hiện trong thịt của tuần lộc nuôi với mức phóng xạ 20.000 becquerel/kg (Bq/kg), cừu 10.000 Bq/kg.

Theo tiêu chuẩn của châu Âu, mức phóng xạ iodine tối đa có thể chấp nhận được là 150 Bq/kg hay Bq/l đối với các thực phẩm cho trẻ em; 500 Bq/kg hay Bq/l cho các sản phẩm sữa; 2.000 Bq/kg hay Bq/l cho các thực phẩm khác và 500 Bq/l cho các chất lỏng khác dùng để uống.

Chính vì vậy, việc làm sạch môi trường (đất và nước) tại những khu vực nhiễm phóng xạ trở thành vấn đề nan giải nhất, hơn là vấn đề di tản dân khỏi vùng bị nhiễm phóng xạ. Cho tới nay, khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn còn bỏ hoang do vẫn còn sự hiện diện của chất phóng xạ. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục