Thời gian qua, đã có nhiều vụ người tiêu dùng (NTD) phải khiếu nại, khởi kiện nhà cung cấp khi mua nhằm sản phẩm chất lượng kém, bảo hành thiếu trách nhiệm. Từ các vụ tranh chấp này, NTD cần quan tâm dự liệu, nắm chắc các vấn đề pháp lý phát sinh.
Vấn đề về hợp quy và công bố hợp quy: Theo quy định của pháp luật hiện hành, có những hàng hóa phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Nhà cung cấp chỉ được đưa sản phẩm ra thị trường sau khi đã công bố hợp quy, được gắn dấu hợp quy và chịu trách nhiệm trước pháp luật về từng sản phẩm cung cấp. Mặt khác, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định rõ hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và phải ghi nhãn hàng hóa để qua đó người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa do mình phân phối. Do đó, NTD cần phải kiểm tra các thông tin để xác định nhà cung cấp dịch vụ đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định hay không.
Vấn đề cung cấp thông tin: Một trong những quyền cơ bản của NTD được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 là việc đảm bảo cho NTD được tiếp cận thông tin đầy đủ về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Quyền tiếp cận thông tin trước và trong khi thực hiện giao dịch bao gồm: được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ (Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010). Vì vậy, trước khi thực hiện các thủ tục để bảo vệ quyền lợi của mình, cần xác định rõ với tư cách là NTD đã được tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm đang sử dụng hay chưa.
Vấn đề chất lượng hàng hóa: Theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì ngoài việc phải công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu - phân phối, nhà cung cấp còn phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với hàng hóa do mình nhập khẩu - phân phối, như thu hồi, xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người mua trả lại. Người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Ngược lại, NTD có quyền yêu cầu người bán hàng sửa chữa, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật khi hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với chất lượng hàng hóa đã thông tin, sự không phù hợp này có tính hệ thống, lặp lại nhiều lần và yêu cầu người bán hàng bồi thường thiệt hại do hàng hóa không bảo đảm chất lượng, thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa (Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2006). Căn cứ vào quy định này, NTD cần xem xét trường hợp của mình có đáp ứng điều kiện luật định để có thể được hoàn tiền, đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật khi hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Về phương án giải quyết: Khi phát sinh những tranh chấp liên quan quyền lợi của mình, NTD có thể tự thương lượng, hòa giải với nhà cung cấp hoặc gửi đơn khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương - cơ quan đại diện cho tập thể người tiêu dùng - để được hỗ trợ, tư vấn nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Trong trường hợp phương án thương lượng, hòa giải không hiệu quả, NTD có thể khởi kiện tại cơ quan tòa án có thẩm quyền.
Từ những vấn đề nêu trên, trong hoạt động tiêu dùng, để bảo vệ được quyền lợi của mình, trước hết NTD phải trở thành người tiêu dùng thông minh, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như của nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị lớn, nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ; các điều kiện bảo hành, hậu mãi; và đặc biệt là các quy định của pháp luật để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của chính mình.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)