Thực trạng buồn trong quản lý bảo tàng Pháp

Thực trạng buồn trong quản lý bảo tàng Pháp

Tòa án Kiểm toán của Pháp vừa công bố bản báo cáo dài 200 trang đánh giá 10 năm công tác quản lý 37 bảo tàng quốc gia, trong đó có các bảo tàng quan trọng nhất: Louvre, Orsay, Versailles… cho thấy hình thức quản lý bảo tàng ở Pháp đang xuống dốc.

Bên trong bảo tàng Louvre nổi tiếng.

Bên trong bảo tàng Louvre nổi tiếng.

Theo báo cáo, một trong những mục tiêu chính là phát triển nguồn tài nguyên riêng của bảo tàng để giảm vốn chu cấp của nhà nước đã thất bại. Ngược lại, các nguồn thu riêng có tăng, nhất là tăng giá vé và tìm tài trợ, nhưng chi phí dành cho bảo tàng lại tăng nhiều hơn. Kết quả, phần đóng góp từ các nguồn lực tự có của 37 bảo tàng từ 48% năm 2004 đã giảm còn 39% trong năm 2010. Các khoản cấp của nhà nước cho bảo tàng nhà nước đã tăng 58% trong 10 năm, nhiều gấp 2 lần so với mức tăng của Bộ Văn hóa và gấp 3 lần ngân sách nhà nước. Nếu tính thêm các lợi ích về thuế cho các nhà tài trợ, trợ vốn cho bảo tàng tính ra tăng 70% - 90%. Chính phủ Pháp đã tiến hành nhiều công việc khổng lồ tại các bảo tàng hoặc sắp tiến hành như ở các bảo tàng Picasso ở Paris, phòng trưng bày văn hóa Hồi giáo ở Louvre, bảo tàng các nền văn minh ở Marseille… tổng cộng tới 1 tỷ Eur, cao gấp 2 lần thập kỷ trước.

Ngay cả các vấn đề liên quan tới tài trợ cũng gây tranh cãi tiêu cực dù đây là vấn đề khá tế nhị. Chẳng hạn như bảo tàng lừng danh Louvre sẵn sàng để tên đơn vị tài trợ của Nhật (Nippon Television) tại phòng trưng bày bức tranh La Joconde. Gian của Apollon thì mang tên Total… khiến nhiều người nghĩ Louvre đang bị bán từng phần.

Điểm suy giảm khác liên quan đến công chúng. Trong thập kỷ qua, các bảo tàng Pháp đã đón con số ấn tượng: hơn 10,3 triệu lượt người tham quan, tăng 58%, cao nhất châu Âu. Trong số 10 bảo tàng được viếng thăm nhiều nhất thì có 4 bảo tàng tại Pháp: Louvre, Versailles, Trung tâm Pompidou và Orsay. Tuy nhiên, trong số hơn 10,3 triệu ấy, ngoài khách phương xa, thì chủ yếu vẫn chỉ là dân Paris, người cao tuổi và người khá giả. Những người trẻ và tầng lớp trung lưu trở xuống hầu như rất ít. Năm 2003, có 17% người trẻ tuổi tới bảo tàng, nay giảm chỉ còn 15,6% và hầu hết bị ép buộc theo hình thức đi trong giờ học. Một trong những lý do có thể giải thích được hiện tượng này là do giá vé tăng, trái với Luật Bảo tàng năm 2002 có tiêu chí giá vé là để “thúc đẩy người xem tiếp cận với bảo tàng nhiều nhất”. Trong 10 năm, giá vé tại Louvre tăng 35,5%, Versailles tăng 113%, Trung tâm Pompidou tăng 160%. Trong khi nhà nước đã giúp phần lớn các bảo tàng ở Paris, sự trợ giúp cho các bảo tàng địa phương trong khu vực đã giảm đi một nửa. Tuy còn nhiều mặt chưa được, Tòa Kiểm toán cũng hoan nghênh “sự tiến bộ không thể chối cãi” trong việc quản lý - bảo tồn các bộ sưu tập.

Mặc dù báo cáo kết luận Nhà nước không còn đóng vai trò điều tiết của nó nhưng cũng chỉ ra nhiều điểm tích cực như trong 10 năm, các bảo tàng đã phát triển nhiều địa điểm hơn, nhiều sự kiện triển lãm với nguồn tác phẩm đa dạng hơn và thời gian mở cửa lâu hơn. Những người thực hiện cho rằng nhà nước nên xác định và đặt mục tiêu cụ thể vào từng hạng mục trước khi quyết định rót tiền đầu tư.

Hà Trang (theo Le Monde)

Tin cùng chuyên mục