Không ở đâu như ở Việt Nam, việc mua bán, sử dụng thuốc, nhất là các loại kháng sinh, lại dễ dàng như vậy, không cần đơn thuốc cũng có thể mua được hàng chục loại kháng sinh khác nhau trên thị trường. Tình trạng lạm dụng kháng sinh đang làm gia tăng chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật.
Hiện nay nhiều người vẫn có thói quen mua bán thuốc không cần đơn chỉ dẫn của bác sĩ
Báo động đỏ
Hơn 10 ngày nằm viện tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, bệnh nhi N.T.Hà (5 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn sốt và khó thở vì biến chứng viêm phổi. Mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng chăm con, chị Thúy (mẹ cháu N.T.Hà) chia sẻ: “Mới đầu, cháu chỉ bị sốt và húng hắng ho, cứ nghĩ cháu bị cảm cúm và viêm họng nên như mọi lần, tôi lại ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Tuy nhiên, sau 5 ngày uống hết chỗ thuốc tôi mua, bệnh cháu lại nặng thêm, buộc tôi phải đưa cháu vào viện cấp cứu. Tại đây, sau khi khám, xét nghiệm, chụp X-quang, bác sĩ cho biết con tôi bị biến chứng viêm phổi nặng do dùng thuốc không đúng loại”.
TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, lo lắng cho biết BV đã tiếp nhận không ít các trường hợp trẻ nhỏ nguy kịch về sức khỏe do việc cha mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc mỗi khi trẻ đau ốm, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Đáng lưu ý, qua các nghiên cứu sàng lọc bệnh nhi nhập viện, BV phát hiện có tới 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc, đây là tình trạng rất đáng báo động vì việc điều trị cho trẻ sẽ rất khó khăn và nan giải.
Không chỉ khiến trẻ nhỏ bị kháng thuốc, việc sử dụng thuốc tràn lan, bừa bãi, nhất là với các loại thuốc kháng sinh, ở người lớn cũng đang dẫn tới những hệ lụy vô cùng nguy hại. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết tình trạng kháng thuốc, đặc biệt các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng thuốc đã đến mức báo động.
Là đơn vị theo dõi mạng lưới kháng thuốc của nhiều cơ sở khám chữa bệnh, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương phát hiện thời gian gần đây tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn phế cầu gia tăng và được ghi nhận ở khoảng 30% - 40% số bệnh nhân.
Trong khi đó, vi khuẩn phế cầu rất nguy hiểm. Loại vi khuẩn này cư trú ở vùng hầu họng của người trưởng thành, dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Tệ hơn trong trường hợp một bệnh nhân bị mắc vi khuẩn phế cầu nếu kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh thì nguy cơ tử vong rất cao.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính cũng cảnh báo, với tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan, thiếu cân nhắc như hiện nay, thì chỉ sau 10 - 20 năm, chúng ta sẽ không còn thuốc chữa các bệnh nhiễm trùng. Vì kháng thuốc, con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do bị nhiễm trùng.
Gánh nặng lớn
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề quan ngại mang tính toàn cầu, làm tăng chi phí y tế, kinh tế, xã hội, cũng gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong.
Trong số các nước đang phát triển, Việt Nam được xem là quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng nhất và đứng hàng đầu thế giới, do không kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng.
Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc của WHO mới đây (được tổng hợp từ 114 quốc gia) chỉ rõ, do kháng thuốc, tình trạng người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong đã tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Trong đó, tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày với số người tử vong lên tới 25.000 ca/năm. Còn ở Mỹ, khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm do kháng thuốc, đồng thời dẫn tới các chi phí để giải quyết vấn đề kháng thuốc lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Lý giải cho tình trạng kháng thuốc nói chung và kháng kháng sinh đang báo động ở nước ta, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết hiện nay, việc quản lý kê đơn nội trú được kiểm soát khá chặt chẽ qua áp dụng hình thức kê đơn điện tử, giảm nhiều sai sót; thế nhưng, việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc ngoại trú vẫn chưa tốt. Vì thế còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất.
Nội dung ghi đơn hướng dẫn sử dụng thuốc còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, thời điểm dùng. Tình trạng sử dụng, mua bán thuốc không có toa của bác sĩ còn khá phổ biến. Người dân vẫn tự ý điều trị kháng sinh, uống thuốc không đúng quy định, không đúng phác đồ. Trong khi đó, nhiều BV tuyến tỉnh đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh thế hệ 3. Thống kê cho thấy, trong hơn 5 năm qua, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.
Để ngăn chặn mối đe dọa không có thuốc chữa được bệnh do vi khuẩn kháng thuốc gây ra, Bộ Y tế yêu cầu tới đây các nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt) cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera để quản lý việc bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý dược cần sớm thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường, chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng và phải có chỉ định, cũng như đơn thuốc của bác sĩ.