
Ngày 26-7-2007 tới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlong Bank) chính thức khai trương Chi nhánh Sài Gòn tại 197-199 Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình, TPHCM. Đây là một trong những chiến lược mở rộng hoạt động của Kienlong Bank trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Nhân viên của Kienlong Bank luôn được đào tạo nâng cao năng lực.Ảnh: D.N.
Trải qua gần 12 năm hình thành và phát triển, hoạt động kinh doanh của Kienlong Bank đã từng bước tăng trưởng ổn định và vững chắc trong hoạt động tín dụng tiền tệ. Từ một ngân hàng hoạt động cho vay tín dụng tại các vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long với số vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng (tại thời điểm 1995) đến nay, vốn điều lệ của ngân hàng đã lên trên 580 tỷ đồng (dự kiến vào cuối năm 2007 sẽ nâng lên 1.000 tỷ đồng). Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu chủ yếu bình quân mỗi năm trên 50% và đến nay tổng tài sản của ngân hàng đã tăng lên 1.407 tỷ đồng.
Đánh giá về nét đặc trưng trong văn hóa của Kienlong Bank thể hiện qua chữ “tâm”, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM nhận xét: Trong khi xu hướng thế giới đang tẩy chay những công ty lớn được mệnh danh là “những gã khổng lồ vô tâm”, thì khẩu hiệu (slogan) “Ngân hàng Kiên Long - Sẵn lòng chia sẻ” như một lời hứa của Kienlong Bank với toàn thể khách hàng và người dân cả nước: Ngân hàng Kiên Long sẵn lòng chia sẻ với mọi người những khó khăn trong công việc kinh doanh, những cơ hội, những ước mơ, hoài bão, kinh nghiệm, những trăn trở hay cả niềm vui khi thành công, nỗi buồn khi gặp khó khăn, mất mát… Ngoài những giá trị cốt lõi từ chữ “Tâm”, ông Thắng còn khẳng định: “Với nền tảng văn hóa gần 12 năm dựa vào chữ “Tâm”, Ngân hàng TMCP Kiên Long sẽ tiếp tục phát huy nền tảng ấy và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”.
Ông Trương Hoàng Lương, Tổng Giám đốc Kienlong Bank cho biết: Kienlong Bank đã có mạng lưới hoạt động rộng ở tỉnh Kiên Giang và các vùng trọng điểm trong cả nước, với 3 chi nhánh và 11 phòng giao dịch. Trong tháng 8-2007, sẽ tiếp tục khai trương Chi nhánh Cần Thơ tại 6A Hòa Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và 2 phòng giao dịch. Ngoài ra, theo dự kiến đến cuối năm 2007, Kienlong Bank sẽ mở thêm các chi nhánh và phòng giao dịch tại tỉnh Kiên Giang và các tỉnh thành phố trọng điểm như: Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng...
Đi đôi với việc mở rộng mạng lưới, Kienlong Bank luôn chú trọng đến phát triển sản phẩm và dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hội nhập. Ngoài ra, Kienlong Bank tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng quy trình tuyển dụng chặt chẽ để tuyển chọn nhân viên có năng lực và tâm huyết với công việc. Đặc biệt Kienlong Bank luôn chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp nhằm tạo nên bản sắc riêng, nguồn lực quý giá và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng. Phấn đấu từ nay đến năm 2010, Kienlong Bank sẽ trở thành một trong 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam.
Dự kiến tại lễ khai trương chi nhánh tại TPHCM (ngày 26-7-2007), Kienlong Bank và Trường Đại học Kinh tế TPHCM sẽ ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Theo nội dung ký kết, Trường Đại học Kinh tế TPHCM sẽ đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho ngân hàng. Tiếp tục đào tạo cán bộ quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Kienlong Bank được gặp gỡ các sinh viên có thành tích học tập khá và hạnh kiểm tốt để tuyển dụng nhân tài. Về phía Kienlong Bank sẽ tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại ngân hàng do Trường Đại học Kinh tế TPHCM giới thiệu; tiếp nhận sinh viên loại khá, hạnh kiểm tốt vào làm việc tại ngân hàng. Ngoài ra, Kienlong Bank sẽ cấp học bổng cho những sinh viên nghèo hiếu học.
Với chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, thời gian tới, Kienlong Bank sẽ đẩy mạnh hơn nữa chất lượng và hiệu quả kinh doanh, phát huy thương hiệu, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, là người bạn đồng hành của khách hàng. Hiện nay, trong khi một số ngân hàng TMCP nông thôn thường có xu hướng đổi tên khi chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP đô thị, thì Ngân hàng Kiên Long vẫn giữ nguyên “bản sắc” của mình với tên gọi: Kiênlong Bank. Đây là một quyết định hết sức táo bạo, bản lĩnh và cũng là nỗ lực to lớn của Ban quản trị.
Phát biểu với các báo giới tại Hà Nội, ông Lương cho biết: Việc Kienlong Bank mở rộng mạng lưới giao dịch trên toàn quốc là nằm trong lộ trình đưa ngân hàng này trở thành một ngân hàng TMCP đa năng, hiện đại đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn và định chế tài chính nước ngoài khi hội nhập hoàn toàn với thế giới. Dĩ nhiên Kienlong Bank sẽ không dừng phát triển mạng lưới mà còn mở rộng, tiếp cận với các hoạt động nghiệp vụ mới và phát triển các dịch vụ, sản phẩm.
Tại lễ khai trương chi nhánh tại Hà Nội của Kienlong Bank vừa qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu: Với hơn 11 năm hình thành và phát triển, đến nay thương hiệu Kienlong Bank không chỉ có ảnh hưởng lớn tại đồng bằng sông Cửu Long mà còn từng bước thâm nhập rộng khắp trong cả nước. Tôi cũng hy vọng rằng con rồng nhỏ Kienlong Bank ở cực Nam Tổ quốc sẽ vững vàng vươn ra biển lớn, hội nhập thành công, góp phần phát triển đất nước.
PHƯỚC NGỌC