Ngoài khoản quà tết do UBND TPHCM tặng 700.000 đồng/người, nhiều công chức, viên chức (CC-VC) được lãnh thêm vài ba triệu đến cả chục triệu đồng/người từ khoản tiền tiết kiệm khoán chi. Tuy nhiên, khoản thu nhập tăng thêm dịp tết (tạm gọi tiền thưởng tết) ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (HCSN) nói chung và từng quận, huyện trên địa bàn TPHCM chênh lệch khá xa…
Dư nhiều = chia nhiều
Những năm gần đây, cán bộ, CC-VC ở nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước trên địa bàn TPHCM đã bớt “tủi” khi có thêm thu nhập từ khoản kết dư tiết kiệm do thực hiện cơ chế tự chủ tài chính (gọi là khoán chi). Một cán bộ phường thuộc (quận 12) phấn khởi cho biết, tết năm nay ngoài lương mỗi cán bộ, CC-VC được lĩnh thêm khoảng 10 triệu đồng từ tiết kiệm khoán chi cộng với quỹ phúc lợi. Áp dụng cơ chế tự chủ về biên chế, kinh phí quản lý theo Nghị định 130/CP và Nghị định 43/CP, nhiều cơ quan, đơn vị HCSN đã chủ động sắp xếp lại bộ máy nhân sự, thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý… nên đã tạo thêm nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, CC-VC.
Tết này, CC-VC ở các quận như 10, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp… được lĩnh khoản kết dư kha khá, bình quân 3-5 triệu đồng/người. Một cán bộ Phòng Tài chính quận Thủ Đức cho biết, mỗi CC-VC được lĩnh khoảng 5 triệu đồng. Theo một số đơn vị HCSN ở các quận, huyện, tiền kết dư từ khoán chi được báo cáo theo tháng hoặc theo quý, đơn vị nào không chia liền mà để dành đến cuối năm thì thu nhập của CC-VC vào dịp tết sẽ khá hơn. Cũng phải nói thêm, mức thu nhập tăng thêm cao hay thấp còn phụ thuộc vào tài điều hành quản lý, sắp xếp bộ máy nhân sự hợp lý, hiệu quả và thắt chặt chi tiêu ở từng đơn vị, cơ quan nhưng quan trọng là mức khoán chi về tài chính.
Tương tự, ở ngành giáo dục, khoản thu nhập dịp tết của các trường cũng chênh lệch khá xa khiến nhiều giáo viên (GV) nơi này nơi kia cảm thấy… chạnh lòng. Cùng áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo NĐ 43/CP nhưng mức kết dư để tăng thu nhập, thưởng tết ở các trường, các bậc học lại nơi nhiều nơi ít. Nguyên nhân của chênh lệch trong kết dư này phụ thuộc vào quy mô nhà trường, sĩ số học sinh, bậc lương… và kể cả việc thắt chặt hay nới lỏng trong duyệt chi tài chính ở từng quận, huyện. Vì thế mới có sự so bì khi có trường GV được lĩnh cao nhất đến 30 triệu đồng nhưng có trường chỉ tròm trèm vài trăm đến trên dưới 1 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, nhờ có chủ trương tự chủ về tài chính này, năm nay nhiều trường THPT, THCS, đội ngũ GV đã có thể vui hơn nhờ được thưởng tết bình quân 5-7 triệu đồng/người, hoặc cao hơn – trên dưới 10 triệu đồng/người. Như thế, so với mặt bằng thưởng tết của xã hội nghề giáo ở một số trường không đến nỗi nào. Một GV ở Trường THCS Nguyễn Du quận Gò Vấp, phấn khởi cho biết: Cộng hết các khoản tiền tiết kiệm từ khoán chi, phúc lợi, nguồn hỗ trợ của hội cha mẹ học sinh…, GV được lĩnh khoảng 6-8 triệu đồng/người. GV ở quận Tân Phú, quận 12 cũng vui vì mức thưởng tết khá so với nhiều địa phương (bình quân 7-8 triệu đồng/người). Tuy nhiên, chưa có thống kê cụ thể nên mức thưởng tết nơi cao, nơi thấp vẫn là câu chuyện râm ran...
Chung cơ chế nhưng thiếu công bằng
Trao đổi với Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Trưởng Phòng CC-VC và Đào tạo Sở Nội vụ TPHCM, cho biết: “Nhờ thực hiện chủ trương khoán chi phí theo NĐ 130/CP và NĐ 43/CP, nhiều đơn vị HCSN đã chủ động về tài chính, tích lũy được khoản tiền tiết kiệm để tăng thu nhập cho CC-VC. Nhìn chung, chủ trương tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về biên chế, chi phí hành chính đã tạo điều kiện cho các đơn vị tăng cường tiết kiệm chi tiêu, sắp xếp bộ máy nhân sự hiệu quả hơn…”. Tuy nhiên, cùng chủ trương và chung cơ chế tài chính nhưng có nơi kết dư tài chính nhiều và ngược lại có nơi không dư chút nào, thậm chí “âm”. Vì sao có sự chênh lệch và thiếu công bằng trong điều tiết phân phối thu nhập này?
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết: “Cơ quan chúng tôi cũng thực hiện cơ chế khoán biên chế, kinh phí quản lý và tằn tiện chi tiêu hết mức nhưng không dư bao nhiêu, vì thế tết đến CBCNV không có khoản tiền thưởng nào ngoài số tiền UBNDTP tặng, cộng thêm một phần nhỏ từ quỹ phúc lợi”. Như thế dù nỗ lực hết mình nhưng nhiều đơn vị không có cơ hội để tăng thu nhập cho người lao động vì tiền kết dư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng công việc, nhân sự, bậc lương, chi phí nhiều…
Một hiệu trưởng trường THCS thuộc quận 10 cũng so bì: “Cùng trong ngành giáo dục, hoạt động như nhau nhưng tài chính của quận tôi lại siết các khoản chi quá chặt nên không thể có kết dư nhiều. GV chúng tôi thiệt thòi hơn đồng nghiệp ở các trường thuộc quận khác như Tân Phú, Gò Vấp… Họ được thưởng trên dưới chục triệu đồng, trong khi chúng tôi cộng hết các khoản tiền chính quyền, hội cha mẹ học sinh, quỹ phúc lợi GV mới được ngót nghét 3 triệu đồng/người…”.
Thu nhập dịp tết luôn là vấn đề nhạy cảm nên nhiều đơn vị, cơ quan không thích công khai mức thưởng, mức tiền tiết kiệm. Sự thiếu công khai, minh bạch trong trả lương, thu nhập, tiền thưởng tết cho thấy chính sách tiền lương, thu nhập đang bộc lộ bất hợp lý, thiếu công bằng và khó kiểm soát. Đã đến lúc phải điều chỉnh, xây dựng chính sách tiền lương phù hợp với thực tế giá tiền công trên thị trường, trong đó việc phân chia thu nhập phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và theo trình độ, năng lực, hiệu quả đóng góp của từng người.
KHÁNH HÀ