Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển (11-1-1969 - 11-1-2014), cuối tuần qua tại TPHCM, Đại sứ quán Thụy Điển và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã tổ chức hội thảo “Ứng phó với thảm họa thiên tai tại Việt Nam”.
Hỗ trợ Việt Nam ứng phó thảm họa
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, TPHCM hiện nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Nếu mực nước biển dâng 75cm thì 204km² của TP sẽ bị ngập; nếu mực nước biển dâng 100cm thì 472km² sẽ bị ngập khoảng 500 cơ sở sản xuất và 16 khu công nghiệp sẽ bị ngập, hơn 50% công trình giao thông hiện có sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập úng bất thường đến 2050.
“Để chủ động ứng phó với BĐKH, TPHCM cũng đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, TP cũng đã thành lập Văn phòng BĐKH từ tháng 10-2012 để làm cơ quan giúp việc cho Ban chỉ đạo này” - ông Kiệt cho biết. Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cũng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa; nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, sét, nắng nóng...
Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu, tình hình thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, cực đoan nên hàng năm Việt Nam thường phải đối phó với hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, sạt lở đất...
Từ đặc điểm trên, Chính phủ Việt Nam xác định phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của đất nước nhằm bảo đảm an toàn dân sự. Hiện nay Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn luôn đặt chế độ trực 24/24 giờ với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, nhiều đơn vị. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có thêm các hoạt động chủ động nâng cao kỹ năng, bổ sung trang thiết bị chuyên dùng cho tìm kiếm, cứu nạn.
“Để nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân, chúng tôi mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước nói chung và Thụy Điển nói riêng để trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” - Trung tướng Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh.
Giải pháp rào chắn lũ của Thụy Điển.
Phát biểu tại hội thảo, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang phải đối phó với những thảm họa thiên tai có tác động lớn tới con người, DN và môi trường. Năm 2014, Việt Nam và Thụy Điển cùng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tình bạn thân thiết giữa hai nước. Theo bà Đại sứ, một trong những mối quan tâm chính của Thụy Điển là hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực bảo vệ và phòng chống thảm họa trong tương lai.
Nhiều mô hình dân sinh
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ và giới thiệu nhiều mô hình, công nghệ mới phục vụ tìm kiếm cứu hộ và phòng chống lụt bão. Chẳng hạn như hệ thống ra đa cầm tay có độ phân giải cao dành cho các hoạt động tìm kiếm cứu trợ khi thiên tai. Ra đa này có thể rà soát các chuyển động sau các bức tường giúp tìm kiếm nạn nhân ở dưới các tòa nhà bị sập bằng công nghệ cắt cạnh, từ đó có thể phát hiện hoạt động hô hấp dưới độ sâu lên đến 5m tại hiện trường.
Để hỗ trợ nạn nhân trong vùng thiên tai, nhiều DN Thụy Điển cũng đã đưa ra các sản phẩm phục vụ dân sinh trong vùng thiên tai khá đa dạng. Cụ thể như: giải pháp nhà vệ sinh không mùi, không cần bảo trì, không tiêu thụ năng lượng và sản phẩm cuối cùng có thể làm phân bón hữu cơ.
Tại đây, Công ty Fuvido, đã đưa ra giải pháp nhà dựng sẵn và các mô-đun nhà tạm lắp ráp nhanh dành cho những trường hợp khi gặp thiên tai, thảm họa cần một nơi ở an toàn. Loại nhà lắp ráp này có thể chống động đất, chống thấm nước, dễ dàng tháo rời để di chuyển và có thể sử dụng lâu dài; đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường vì không để lại rác thải sau khi chuyển đi nơi khác.
“Giải pháp này của chúng tôi là lắp ráp một ngôi nhà di động được trang bị đầy đủ trực tiếp tại chỗ thay vì giao nhà hoàn thiện” - đại diện Fuvido cho hay. Ưu điểm của giải pháp này là xây dựng một lực lượng tại địa phương để những người dân nơi đó thực hiện các công việc cần thiết từ quy hoạch đô thị, quản lý dự án đến nghề mộc.
Phương pháp này rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí; đồng thời thu hút được sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quy trình sản xuất và lắp ráp nhà, từ đó có thể tạo ra công ăn việc làm cho người dân tại địa phương đó. Chi phí trung bình cho 1 căn nhà lắp ghép khoảng 600 EUR (tương đương 15 - 16 triệu đồng), tuy nhiên nếu được thực hiện tại địa phương sẽ giảm được chi phí rất nhiều.
Để phòng chống thiên tai, lụt bão, các DN Thụy Điển cũng đã cung cấp giải pháp hoàn chỉnh đối với bờ bao chống ngập và đập chứa nước với các loại rào chắn được làm bằng thép, rào chắn dạng bảng và dạng tấm lớn bằng gỗ. Các loại rào chắn này có thể lắp đặt rất nhanh, nhanh hơn tốc độ nước lên và có thể lắp đặt bằng tay mà không cần máy móc hỗ trợ. Với khoảng 5 người trong vòng 1 giờ có thể lắp được rào chắn này với chiều dài khoảng 500 - 600m, cao từ 45cm đến 2,4m.
Đại diện Geodesign Barrier, đơn vị cung cấp giải pháp cho biết, rào chắn này có thể sử dụng như một hàng rào chắn lũ để bao quanh các ngôi nhà khi lũ lụt. Rào chắn có thể đảm bảo an toàn khi nước dâng lên cao vì lực chịu đựng của tấm chắn lên đến 2,5 - 3 tấn. Giải pháp này đã được thử nghiệm và triển khai ở nhiều nước thuộc châu Âu cũng như các nước khác trên toàn thế giới và được đánh giá rất cao như một giải pháp bờ bao chống ngập hoàn chỉnh.
HUY ANH