Vụ lấn sông Sài Gòn xây biệt thự

Tiến hành kiểm tra từng dự án

Tiến hành kiểm tra từng dự án

Báo SGGP đã đăng tải một loạt bài về tình trạng lấn sông Sài Gòn xây biệt thự. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, đã trả lời phỏng vấn PV báo SGGP về vấn đề này. Ông Hòa khẳng định:

Tiến hành kiểm tra từng dự án ảnh 1

Tình trạng xây dựng bờ kè lấn sông Sài Gòn vẫn diễn ra (Ảnh chụp ngày 24-2-2006 tại khu đất của một công ty xây dựng và kinh doanh nhà).

- Việc xây bờ kè, xây biệt thự lấn chiếm sông Sài Gòn như báo SGGP phản ánh là có thật. Trước hết, chúng tôi hoan nghênh việc báo chí đã phát hiện, cung cấp các trường hợp lấn sông kịp thời giúp cảnh tỉnh chúng tôi trong việc rà soát, chấn chỉnh công tác, điều chỉnh quy hoạch.

- Hành lang tuyến sông quy định xây dựng cách sông là 50m nhưng tại sao các công trình đều xây biệt thự nằm trong hành lang này?

- Hơn 10 năm qua vì nhiều lý do mà quy hoạch chiều rộng hành lang bờ sông Sài Gòn đã bị thay đổi.

Ngày 7-12-1998, UBND TP có Quyết định số 6577/QĐ-QLĐT quy định khu đất ven sông Sài Gòn, các công trình xây dựng phải cách bờ sông tối thiểu 50m, nhưng sau đó UBND TP lại có quyết định số 6980/QĐ-UB-QLĐT ngày 23-12-1998 điều chỉnh quyết định số 6577/QĐ-UB-QLĐT, cho phép khoảng cách công trình xây dựng cách bờ sông tối thiểu được rút xuống còn 20m.

Trong giai đoạn này đã có nhiều dự án xin xây dựng nhà biệt thự ven sông và được phê duyệt. Mãi đến ngày 9-6-2004, UBND TP ban hành quyết định (số 150/2004/QĐ-UB) quy định hành lang bờ sông là 50m, nhưng lúc này đất ven sông Sài Gòn đã kín dự án. Mặt khác, quyết định này cho phép các dự án được phê duyệt trước đó vẫn thực hiện theo quy hoạch cũ, vì vậy mới xảy ra trường hợp biệt thự xây dựng nằm trên hành lang tuyến sông. Đến nay, nếu có dự án nào xin điều chỉnh quy hoạch thì Sở Quy hoạch-Kiến trúc sẽ áp dụng buộc chủ đầu tư phải đảm bảo hành lang tuyến sông 50m.

- Thưa ông, nhưng rõ ràng Sở Quy hoạch-Kiến trúc không thể “đứng ngoài”…

- Hiện nay quá trình xin thủ tục xây dựng bờ kè, xác định ranh mốc mép ngoài xây dựng bờ kè sông do Sở Giao thông-Công chính xác định cùng với các cơ quan là UBND quận 2, Cảng vụ TPHCM và chủ đầu tư. Việc Sở Quy hoạch-Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch của dự án là căn cứ trên các văn bản của các cơ quan nêu trên.

- Có giải pháp nào khắc phục được tình trạng này?

- Trước hết, UBND quận 2 phải kiên quyết hơn trong việc xử lý các trường hợp xây dựng công trình xâm phạm hành lang tuyến sông, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng. Đối với trường hợp xây dựng lấn chiếm, UBND quận 2 phải buộc chủ đầu tư khôi phục nguyên trạng như UBND quận Bình Thạnh đã từng làm đối với các trường hợp xây dựng lấn sông Sài Gòn ở bán đảo Thanh Đa.

Về phía chúng tôi, Phòng kiểm tra thực hiện quy hoạch đã phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan và quận, huyện kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đã phê duyệt nằm dọc ven sông Sài Gòn trên địa bàn các quận: 2, 4, 7, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức. Đoàn tiến hành kiểm tra tại hiện trường từng dự án, chậm nhất đến cuối tháng 3-2006 sẽ có kết quả và đề xuất hướng xử lý.

- Thưa ông, không kể các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm sông, các dự án có phép cũng có bờ kè đâm ra sông lố nhố làm mất thẩm mỹ?

- Điều này thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông Công chính. Bên cạnh việc công bố mép bờ cao quy hoạch để có cơ sở xác định hành lang trên bờ sông theo quy định thì cần thiết kế bờ kè riêng, đồng bộ cho từng tuyến sông, có tọa độ rõ ràng. Từ đó công tác cấp phép xây dựng bờ kè sẽ thuận lợi hơn khi có mốc chuẩn xác làm liền lạc các bờ kè giữa các dự án ven sông.

- Cảm ơn ông.

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục