“Tiền rất bẩn”. “Con còn nhỏ, con hỏi làm gì?”… Đó có phải là cách trả lời đúng của cha mẹ trước sự hiếu kỳ quá sớm của con trẻ về tiền bạc?
Trẻ nhận thức trước tuổi lên 7
Chị Hoàng Oanh là dược sĩ (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) có hai cô con gái đang học đại học và cậu con trai đang học cấp 1. Ba đứa con của chị đều chăm ngoan và học giỏi có tiếng ở khu phố. Điều chị Oanh rất tự hào là các con chị không hề biết đến tiền là gì nếu chúng chưa đủ 16 tuổi. Chị chia sẻ, các con thích ăn uống thứ gì thì chị sẽ mua cho, tuyệt đối không cho tiền tiêu vặt và các con chị cũng không hề buồn lòng vì điều đó. Chúng chỉ xin tiền mẹ để mua dụng cụ học tập, quà sinh nhật cho bạn bè, đóng tiền cắm trại với trường lớp…
Trong khi đó, chị Diễm Phúc (quận 5), có con gái học lớp 6 và con trai học lớp 2, lại có cách dạy con hoàn toàn ngược lại. Chị cho con tiền tiêu vặt từ khi các cháu mới học lớp 2 và cô con gái lớp 6 đã có thể tự cầm tiền đi chợ gần nhà mỗi khi mẹ nhờ. Hai con của chị Phúc cũng ngoan có tiếng trong khu chung cư nơi chị sống.
Cả hai gia đình đều nuôi dạy con chăm ngoan, vậy theo bạn, chúng ta nên dạy con theo cách nào: Nên cho con tiếp xúc với tiền bạc hay không? Nếu cho thì ở độ tuổi nào là hợp lý?
Phụ huynh nên hướng dẫn cho trẻ làm quen và có nhận thức đúng đắn về tiền bạc
Khi được hỏi vì sao cho con tiếp xúc với tiền sớm, chị không sợ con hư hay sao, chị Diễm Phúc trả lời: “Tôi từng là một đứa trẻ được giáo dục phải tránh xa tiền bạc. Tiền như thứ gì đó cấm kỵ. Thậm chí, thấy tiền rơi ngoài đường tôi cũng không dám nhặt. Sau này lớn lên, tôi thấy kiểu dạy con ứng xử “xa cách” với tiền bạc như của bố mẹ tôi ngày xưa tuy cũng có mặt được, nhưng mặt chưa được lại nhiều hơn”. Chị Phúc chia sẻ, với nền nếp của gia đình chị lớn lên là một người không quá coi trọng đồng tiền, điều đó giúp chị sống với một tinh thần thoải mái, hào sảng, mở lòng với nhiều người. Tuy nhiên, khi một trận bạo bệnh ập đến, khoản tiết kiệm quá ít ỏi, dù đang có công việc ổn định nhưng chị đã nhanh chóng lâm vào bế tắc về tài chính, lúc đó những người chị từng cưu mang lại không có sẵn tiền giúp chị, may nhờ có người thân chạy vạy giúp. Lần bệnh đó đã khiến chị phải suy nghĩ lại về cách sử dụng tiền bạc của mình. Từ đó, chị chi tiêu có kế hoạch hơn, chị cũng dạy con làm quen với việc sử dụng đồng tiền. “Bảo bọc con khỏi những vấn đề về tiền bạc tuy an toàn cho chúng nhưng lại không thực tế. Chỉ có cách tiếp xúc với tiền bạc một cách hợp lý mới có thể giúp con tôi làm chủ được tài chính sau này”, chị Phúc chia sẻ.
Quả vậy, cho trẻ tiếp xúc với tiền bạc một cách hợp lý là điều các bậc cha mẹ nên làm. Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, trẻ quan sát cách chi tiêu của cha mẹ chúng từ rất sớm rồi ghi nhớ trong tiềm thức và thói quen tiền bạc của trẻ hình thành trước tuổi lên 7.
Bài học trong cuộc sống hàng ngày
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, trong việc dạy con sử dụng tiền bạc, cha mẹ nên cho trẻ tiền tiêu vặt, đồng thời nên tách bạch giữa việc nhà và công lao động. Tuy nhiên, “nghệ thuật” nằm ở chỗ chúng ta không nên quá mơ hồ và cũng không quá rạch ròi giữa tiền tiêu vặt và công lao động. Việc nhà là sự chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Tiền tiêu vặt là “khoản con xứng đáng có được vì con đã đủ tuổi, con đã cho cha mẹ thấy con biết cách sử dụng tiền hợp lý”.
Để đảm bảo con cái sử dụng tiền tiêu vặt hợp lý, cha mẹ hãy âm thầm theo dõi để uốn nắn kịp thời, phải đảm bảo con hiểu được giá trị cơ bản về tiền, phân biệt được các mệnh giá tiền. Bằng những sự việc diễn ra hàng ngày, hãy giúp trẻ cọ xát, so sánh để có trách nhiệm trong chi tiêu. Công thức chi tiêu “lý tưởng” được các chuyên gia tài chính đưa ra là 70% chi tiêu, 20% tiết kiệm, 10% dành cho việc chia sẻ. Phụ huynh chúng ta hãy từng bước tập con thực hiện được điều đó một cách tự nhiên nhất, và càng sớm càng tốt.
| |
LÂM AN