Tại Hội thảo “Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển Khoa học - Công nghệ (KH-CN)” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH-CN vừa tổ chức cho thấy đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động KH-CN thời gian qua đã bảo đảm được mục tiêu đặt ra theo Luật KH-CN đạt 2% tổng chi NSNN (tương đương 0,5%-0,6% GDP) và đạt tốc độ tăng chi bình quân là 19% trong giai đoạn 2007-2011.
Cụ thể: từ 2006-2012, NSNN đã chi 73.000 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 16.000 tỷ đồng và NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65%-70% tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KH-CN ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, mức đầu tư tính theo GDP tương đương các nước khác nhưng tính theo giá trị tuyệt đối thì rất hạn chế. Tính bình quân đầu người thì mức đầu tư chưa đạt 10 USD người/năm, thuộc diện thấp nhất khu vực và thế giới trong khi chưa thu hút được nguồn đầu tư ngoài ngân sách. Phần đông giới khoa học đều cho rằng cơ chế thanh quyết toán tài chính hiện rất bất cập. Nội dung chi, định mức chi, thủ tục... mất nhiều thời gian.
Rất nhiều khoản chi trong nghiên cứu khoa học như: thuê chuyên gia, đăng ký công bố quốc tế, kinh phí tuyên truyền... không quyết toán được, đặc biệt là lạm phát cao nhưng không có chính sách hỗ trợ. “Thậm chí có người nói, thời gian dành cho thủ tục thanh quyết toán còn nhiều hơn nghiên cứu. Lương cho nhà khoa học vẫn theo thang bảng lương chung mà không có sự đãi ngộ xứng đáng” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, để làm khoa học trong đó có cả những yếu tố rủi ro, ngành tài chính nên có các định mức chi không cứng nhắc như hiện nay. Ví dụ: tiền chi cho hội thảo không thể đánh đồng 70.000 đồng/người/ngày mà cần giao quyền chủ động hơn cho các chủ nhiệm đề tài. Tiền lương của nhà khoa học phải gắn với sản phẩm chứ không được cào bằng.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, trong Đề án đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ về tổ chức cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN trình Chính phủ đã có đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, kiến nghị việc cấp phép kinh phí cho nghiên cứu chuyển dần sang cơ chế quỹ. Hiện đã có Quỹ phát triển KH-CN quốc gia và sắp tới sẽ đưa vào hoạt động Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Thứ hai, quỹ không bắt buộc quyết toán theo năm tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học chỉ quyết toán một lần khi kết thúc dự án…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, cơ chế tài chính cho KH-CN không phải do đơn vị này ban hành và ngành tài chính phải dựa vào những quy định hiện hành chứ không thể làm trái. Bộ Tài chính không muốn làm khó các nhà khoa học nhưng để thay đổi thì chính giới khoa học phải đề xuất để ban hành các thủ tục thanh quyết toán sao cho thông thoáng hơn.
Trần Lưu