Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh: Nên quan tâm đến những công trình dễ bị xâm hại

Giữ gìn kiến trúc có giá trị cho con cháu mai sau
Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh: Nên quan tâm đến những công trình dễ bị xâm hại

Cuối năm 2010 vừa qua, công tác bảo tồn các công trình kiến trúc lại được khơi gợi mạnh mẽ bằng việc UBND TPHCM quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc thành phố. Nhìn lại công tác bảo tồn trong thời gian qua để hiểu thêm chúng ta cần phải làm gì trong thời gian tới cũng là một điều bổ ích. Phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh - Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cách đây 15 năm, về vấn đề trên.

Một ngôi nhà cổ trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh đang xuống cấp và bị xây dựng bên trong khuôn viên. Ảnh: KIM NGÂN

Một ngôi nhà cổ trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh đang xuống cấp và bị xây dựng bên trong khuôn viên. Ảnh: KIM NGÂN

Giữ gìn kiến trúc có giá trị cho con cháu mai sau

- Phóng viên: Xin ông cho biết bối cảnh triển khai chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM cách nay hơn 15 năm?

Tiến sĩ - kiến trúc sư LÊ QUANG NINH: Tôi nhớ, đó là khoảng thời gian mà TPHCM chuẩn bị kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-TPHCM. Thành ủy, UBND TPHCM muốn có một cái nhìn đầy đủ hơn về cảnh quan kiến trúc của thành phố, đặc biệt là các kiến trúc xưa, nên đã giao cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường TPHCM (nay là Sở Khoa học Công nghệ) triển khai chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM, do nhóm khoảng 10 kiến trúc sư tổ chức thực hiện. Hơn nữa, lúc đó TPHCM cũng bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, lo ngại rằng sẽ làm mất đi các công trình kiến trúc có giá trị nên các nhà khoa học, các kiến trúc sư và nhiều nhà quản lý cũng rất tâm huyết muốn triển khai chương trình này để có cơ sở giữ gìn lại các giá trị kiến trúc cho con cháu mai sau.

- Chất lượng của chương trình nghiên cứu đã được các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý thời đó đánh giá như thế nào, thưa ông?

Chương trình được triển khai nghiên cứu khá công phu. Đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến góp ý, như cuộc hội thảo được tổ chức ở Nhà văn hóa Thanh niên để lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cuộc hội thảo tổ chức ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến của các nhà chuyên môn. Nhóm thực hiện chương trình cũng được Thành ủy cho đi Singapore, Malaysia, Pháp… để học hỏi kinh nghiệm. Một nhóm chuyên gia của thành phố Lyon (Pháp) cũng đã qua Việt Nam hỗ trợ và hợp tác cùng làm việc với các kiến trúc sư TPHCM. Nhờ sự hỗ trợ này, TPHCM đã xuất bản được bộ sách Sài Gòn-TPHCM 1698-1998 về kiến trúc rất có giá trị. Chương trình nghiên cứu đã được Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường lúc ấy là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) tặng bằng khen là công trình xuất sắc. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc đó là đồng chí Mai Quốc Bình ra thông báo chấp thuận và yêu cầu căn cứ vào nghiên cứu để ra quyết định tạm thời về bảo tồn cảnh quan kiến trúc thành phố.

Một tài liệu quý về mặt học thuật

- Một công trình nghiên cứu được đánh giá cao như thế đã được triển khai và áp dụng trong thực tế như thế nào?

Đứng về mặt khoa học, kết quả nghiên cứu của chương trình là những tài liệu để giảng dạy và tham khảo khá tốt. Hầu hết các kiến trúc sư ngày nay muốn làm về bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM đều tham khảo những nghiên cứu này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận dụng kết quả nghiên cứu vào công tác quản lý đô thị… còn có mức độ. Trong nghiên cứu của nhóm có lưu ý đến việc gìn giữ chùm biệt thự ở quận 3, nhưng tiếc là hiện nay chùm biệt thự này phần thì bị tháo dỡ, phá bỏ xây mới, phần thì bị chen thêm công trình mới. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng suýt bị phá vỡ… Thế nhưng cái đáng tiếc nhất, đó là thiếu những nghiên cứu tiếp nối về bảo tồn từ đó cho đến nay. Thêm nữa, tiếc là những nghiên cứu này chưa được pháp lý hóa, dù rằng trong thông báo do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Mai Quốc Bình ký có yêu cầu căn cứ nghiên cứu để xây dựng quy chế quản lý tạm thời cho công tác bảo tồn trên địa bàn thành phố. Nhóm nghiên cứu đã soạn thảo quy chế này nhưng chúng không được ký ban hành.

- Có thể quy chế chưa được cụ thể, chưa rõ…?

Tôi cũng không rõ lý do nhưng quy chế đề xuất khá chi tiết một số vấn đề như dành trục đường Đồng Khởi để đi bộ; giữ gìn cảnh quan sông nước ở khu vực kênh Bến Nghé; bảo tồn chùm biệt thự quận 3 thì nên lấy nhóm biệt thự trên đường Tú Xương làm điểm nhấn…

- Ông có thể làm một phép so sánh giữa những công trình đã được nhóm nghiên cứu đề xuất bảo tồn từ hơn 15 năm trước với những gì còn lại hiện nay không?

Nhiều thứ đã thay đổi quá, ví dụ như chùm biệt thự ở quận 3 đã bị phá bỏ, chuyển đổi công năng quá nhiều như tôi đã nói ở trên. Cảnh quan sông nước ở kênh Bến Nghé cũng đã thay đổi làm cho người ta có cảm giác Sài Gòn xưa đang lùi vào dĩ vãng… Hơn 15 năm trước đây, khi làm nghiên cứu, chúng tôi lo sợ rằng chủ tư nhân các công trình kiến trúc có giá trị, đặc biệt là các biệt thự sẽ vì quyền lợi trước mắt mà phá đi các biệt thự cũ để xây dựng các công trình kiến trúc khác có lợi hơn về mặt tài chính, hoặc lợi hơn về một vấn đề gì đó. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp, các cơ quan, các tổ chức… mới là “người” phá nhiều biệt thự nhất. Ví dụ, ngôi biệt thự tại 222 Điện Biên Phủ đẹp là thế giờ đã bị một tổ chức khoa học đập đi hết, hay như ngôi biệt thự ở 165 Nam Kỳ Khởi nghĩa cũng rơi vào tình huống tương tự. Vẫn biết, đây là hiện tượng phổ biến của nhiều đô thị trong quá trình phát triển nhưng vẫn thấy nao lòng. Vấn đề là ngành chức năng phải có giải pháp để giải quyết vấn đề.

Linh hoạt, áp dụng nhiều giải pháp trong bảo tồn

- Có giải pháp gì khi công tác bảo tồn thường xung đột với công tác phát triển? Nhất là trên một địa bàn như TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, nơi có mức phát triển rất cao về mọi mặt…

Tôi lấy ví dụ, nếu như chủ nhân các ngôi biệt thự ở quận 3 có nhu cầu cơi nới, xây dựng thêm vì gia đình thêm người chẳng hạn, chính quyền phải có kế hoạch đổi đất cho họ. Chính quyền có thể đề nghị mua lại biệt thự đó và bán lại một khu đất khác cho gia đình hoặc chính quyền cũng có thể đề nghị gia đình giữ lại nhà làm nhà lưu niệm (nếu đó là nhà của các nguyên thủ quốc gia, các văn nghệ sĩ lớn thì càng quý) và tổ chức du lịch, tham quan để tìm kiếm thêm thu nhập cho gia đình, giúp gia đình mua thêm được đất mới để sinh sống. Tôi được biết nhà của cụ Vương Hồng Sển đang xuống cấp trầm trọng mà gia đình chưa có điều kiện tu sửa, chính quyền có thể vào cuộc, hỗ trợ gia đình cụ để giữ lại công trình kiến trúc có giá trị không chỉ về kiến trúc mà còn về văn hóa này.

Nói tóm lại, đó phải là một sự linh hoạt với nhiều phương thức khác nhau, cả về giải pháp tài chính lẫn giải pháp hành chính, cùng sự nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân, tổ chức, các doanh nghiệp cùng tham gia bảo tồn với chính quyền. Tôi có trao đổi với một số cán bộ trong Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc thành phố, là nên kết hợp chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện nơi có các công trình kiến trúc cần bảo tồn, để thực hiện nhiệm vụ này thì mới thu được kết quả cao. Bởi lẽ chính quyền địa phương hiểu rõ hơn ai hết phải làm gì để hài hòa giữa lợi ích của người dân trong công tác bảo tồn và phát triển.

- Một câu hỏi cuối, thưa ông, những công trình kiến trúc nào cần quan tâm hàng đầu khi tiến hành công tác bảo tồn trên địa bàn TPHCM?

Hiện nay, đa phần các công trình kiến trúc thuộc diện di sản văn hóa như Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TPHCM… được bảo vệ bởi Luật Di sản, đang được bảo tồn khá tốt. TPHCM nên quan tâm nhiều đến những công trình có giá trị nhưng chưa đủ điều kiện xếp hạng di tích, song lại có khả năng bị xâm hại cao như các ngôi biệt thự, các công trình cầu, cống… Đây là những công trình rất dễ bị phá đi nếu không được bảo vệ đúng mức. Thời gian qua, giới kiến trúc sư rất lấy làm tiếc khi cây cầu Ông Nghè được xây dựng trong Thảo Cầm viên từ thời Pháp đã bị dỡ bỏ. Đó là cây cầu gắn với nhiều truyền thuyết về tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam đối với chồng của mình. Khi thấy chồng qua sông đi làm cực quá bà Nghè đã bỏ tiền xây cây cầu này cho chồng đi qua… Một câu chuyện thú vị về tình yêu của cha ông ta.

- Cảm ơn ông.

* Cách nay hơn 15 năm, thành phố đã chi khoảng 1 tỷ đồng để thực hiện chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM. Nhiều nghiên cứu trong chương trình này đã được in thành sách, làm tài liệu học cho các kiến trúc sư trẻ. Cuốn sách này cũng là cơ sở tham khảo trước khi ra “quyết sách” của không ít nhà quản lý đô thị.


* Theo quyết định của UBND TPHCM Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài làm trưởng ban. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM làm phó ban. Ban có nhiệm vụ xây dựng đề án, chương trình tổng thể, xác định các khu vực cần bảo tồn trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục