Tiến tới quốc gia khởi nghiệp

Với việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, năm 2016 được coi là năm bản lề, bắt đầu công cuộc khởi nghiệp, và để thành công, cùng với cơ chế cởi mở, thông thoáng, việc thu hút và phát huy chất xám của đội ngũ chuyên gia trí thức kiều bào trong nhiều trường hợp là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất.

Với việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, năm 2016 được coi là năm bản lề, bắt đầu công cuộc khởi nghiệp, và để thành công, cùng với cơ chế cởi mở, thông thoáng, việc thu hút và phát huy chất xám của đội ngũ chuyên gia trí thức kiều bào trong nhiều trường hợp là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân tại buổi gặp mặt chuyên gia trí thức kiều bào xuân Bính Thân “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016”, diễn ra ngày 17-2, tại TPHCM.

Tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhận xét, những năm qua việc thu hút nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm có khoảng trên 200 lượt trí thức kiều bào từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Australia... được mời về làm việc tại các bộ/ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Đã có một số lĩnh vực hợp tác nghiên cứu hiệu quả về khoa học tính toán, viễn thông, y sinh, vật liệu mới… Các trí thức, nhà khoa học Việt kiều khi về nước làm việc đã góp phần kéo theo lượng kiều hối gửi về Việt Nam lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Bình, mặc dù chưa thống kê chính xác được sự đóng góp chất xám từ phía các kiều bào ở nước ngoài. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 200 - 300 trí thức Việt kiều về lập dự án, hoặc làm ăn, thì rõ ràng con số này vẫn “không là gì” so với tiềm năng nguồn lực.

Các trí thức Việt kiều cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay khiến họ còn ngần ngại trở về chính là môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và hình thức tôn vinh chưa tương xứng. Bên cạnh đó, trí thức Việt kiều vẫn còn thiếu thông tin về tình hình trong nước đang phát triển lĩnh vực, ngành nghề nào, cần được kêu gọi hay thu hút đầu tư vào cái gì…

Đồng cảm với những trăn trở của các trí thức Việt kiều khi về nước công tác, nhưng Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng khẳng định rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới, phát triển. Năm 2015, Bộ KH-CN đã ban hành ba thông tư quan trọng gồm Thông tư 55 (Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước), Thông tư 21 (Chính sách trọng dụng các nhà khoa học) và Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các sản phẩm khoa học. Đây là nỗ lực rất lớn của bộ nhằm sớm gỡ bỏ các khó khăn để các nhà khoa học phát huy tốt nhất năng lực nghiên cứu của mình.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2016 được coi là năm bắt đầu công cuộc khởi nghiệp. Trong đó, có một số quy định mới liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp (Star-up Ecosystem), mà cốt lõi chính là quỹ đầu tư mạo hiểm - mới chỉ manh nha tại Việt Nam. Vì thế, hiện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đang được bộ ráo riết nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị ban hành. Trong đó, nhiệm vụ kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đang được quan tâm rất lớn. Thông qua những dự án, công việc cụ thể, các nguồn lực trí thức sẽ được đảm bảo không chỉ về mặt vật chất, mà còn đảm bảo các quyền liên quan, từ việc sở hữu trí tuệ, cho tới các bằng sáng chế, phát minh được thực hiện tại Việt Nam.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục