Tiếng Anh chất lượng cao: Học sinh nghèo khó với tới

Tiếp tục “khoan” sức dân
Tiếng Anh chất lượng cao: Học sinh nghèo khó với tới

Nhằm tạo bước đột phá trong dạy và học tiếng Anh, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án mới khởi động đã gặp không ít khó khăn vì ngân sách chưa kham nổi…

Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Lương Văn Can Q8 trong giờ ôn học môn Anh văn. Ảnh: Mai Hải

Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Lương Văn Can Q8 trong giờ ôn học môn Anh văn. Ảnh: Mai Hải

Tiếp tục “khoan” sức dân

Mục tiêu của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh ở phổ thông và đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp. Theo đó, tất cả học sinh ở các trường phổ thông đều được học tiếng Anh trong nhà trường với chất lượng cao, từng bước tiếp cận với chuẩn quốc tế. Khi nghe thông tin, ngân sách TP sẽ hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy hiện đại (bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng), phân bổ giáo viên dạy tiếng Anh là người nước ngoài (Philippines)… các trường đều hào hứng. Đặc biệt là phụ huynh ở các quận ven, huyện ngoại thành chưa có điều kiện tiếp xúc với môi trường dạy tiếng Anh chất lượng cao đều mong mỏi con em mình sẽ được dạy và học với giáo viên nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TP năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, ngân sách TP chưa cân đối được nên chủ trương thực hiện đề án tạm thay đổi và kế hoạch tuyển dụng thí điểm giáo viên bản ngữ chuyển sang hướng xã hội hóa 100%, còn đầu tư thiết bị giảng dạy 50%. Sau thời gian ngắn triển khai chủ trương tuyển giáo viên dạy tiếng Anh là người Philippines, đến nay mới có vài chục trường đăng ký tuyển 29 giáo viên người Philippines. Dựa trên nhu cầu này, đầu tháng 12-2012, Sở GD-ĐT TP mới đi Philippines tuyển chọn và đưa vào giảng dạy đầu năm 2013. Sở dĩ, số trường đăng ký tuyển giáo viên Philippines ít hơn dự kiến tuyển 100 người là do đề án triển khai quá chậm, nhiều trường đã ký hợp đồng thuê giáo viên người Anh, Úc, Mỹ…

Hơn nữa, một số trường có tâm lý không muốn tuyển giáo viên bản ngữ là người Philippines vì phụ huynh thích con mình học với người bản xứ đúng nghĩa. Trở ngại nữa là chủ trương tiếp tục “khoan sức dân” để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh khiến nhiều quận - huyện, trường học tỏ ra cân nhắc, thậm chí không mặn mà. Để trả lương cho giáo viên Philippines (2.000 USD/tháng), mỗi trường phải huy động số lượng khá đông học sinh tham gia thì mới có đủ nguồn thu. Như vậy, những học sinh có tiền thì được tiếp cận cơ hội học tiếng Anh chuẩn và ngược lại - trường nghèo, học sinh “nhẹ túi” thì đứng ngoài cuộc và chưa biết đến bao giờ có thể chạm vào giấc mơ thời thượng này.

Ông Phan Thành Lập, Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Tân cho biết, hiện toàn quận mới có 7/18 trường công lập có dạy TATC và tự chọn, trong đó có 4 trường thuê giáo viên bản ngữ. Tuy nhiên, với mức thu khoảng 120.000 đồng/em/tháng thì có đến 3 trường gặp khó khăn vì không đủ số học sinh tham gia để thuê giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh. Với điều kiện cơ sở vật chất của quận ven còn thiếu thốn như hiện nay và chiếm số lượng khá đông là tạm trú thì mong muốn tổ chức thêm lớp TATC là chuyện khó làm.

Tương tự, huyện Củ Chi mới có 19/39 trường tiểu học dạy TATC và tự chọn trong đó chưa có trường nào thuê giáo viên nước ngoài dạy. Theo chủ trương của Sở GD-ĐT TPHCM, mới có duy nhất một trường thuê giáo viên Philippines về dạy. Như vậy so với các quận huyện khác học sinh của huyện ngoại thành này bao giờ mới được học trong môi trường tiếng Anh chất lượng cao.

Bao giờ “kích hoạt” đúng?

Nhìn lại thực tế hơn 10 năm triển khai chương trình TATC ở gần 200 trường phổ thông, trong đó khoảng 5 năm gần đây hầu hết các trường đã chủ động thuê giáo viên bản ngữ, cho thấy việc tạo môi trường thực hành tiếng Anh theo chuẩn rất quan trọng. Với hình thức xã hội hóa 100% này, tuy chỉ dừng ở 1-2 tiết học/tuần nhưng phần lớn học sinh có cơ hội tiếp cận với môi trường nói tiếng Anh chuẩn đều cải thiện kỹ năng nghe nói tốt hơn.

Thực tế này cho thấy, mục đích của đề án “phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp” của TP là cấp thiết. Thay vì để nơi nào có điều kiện thì làm như hiện nay, TPHCM phải quan tâm đầu tư cho đề án đúng như lộ trình vạch ra chứ không thể viện lý do “khó khăn, ngân sách không thể kham nổi”. Nhiều ý kiến cho rằng, đề án nên quan tâm đến học sinh ở những trường không có điều kiện học tiếng Anh chất lượng cao nhằm tạo thêm cơ hội, rút ngắn khoảng cách trường giàu - nghèo hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Củ Chi đề nghị: “Để tạo sự công bằng trong thụ hưởng môi trường học và nói tiếng Anh chuẩn cho học sinh ngoại thành thành phố cần có giải pháp đầu tư và hỗ trợ giáo viên bộ môn tiếng Anh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm phù hợp với yêu cầu hội nhập; tạo điều kiện để giáo viên học tập, giao lưu với giáo viên bản ngữ; có chế độ chính sách phù hợp để thu hút sinh viên Việt Nam du học nước ngoài trở về nước và tham gia giảng dạy”.

Chúng ta đã nói quá nhiều về chủ trương, quan điểm coi giáo dục là quốc sách nhưng đến khi thực hiện lại loay hoay với bài toán “tiền đâu?”. Nếu chia bình quân tổng số tiền chi cho đề án thực hiện trong 8 năm (từ nay đến năm 2020) thì mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 300 tỷ đồng. Một con số không nhỏ nhưng không quá lớn so với tiềm năng của TP chúng ta.

Vẫn biết TPHCM có nhiều chuyện phải làm, phải đầu tư cho giáo dục nhưng đầu tư chưa đúng và chưa đủ thì khó có thể “kích hoạt” đề án dạy tiếng Anh chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế như đặt ra. Việc đầu tư chậm trễ và manh mún cũng không thể tạo ra sự đột phá, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông vào năm 2015, nói chi đến mục tiêu học sinh phổ thông ra trường nói tiếng Anh thông thạo như kỳ vọng.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục