Mới đây, tâm sự của một người mẹ có con đang học tại trường tiểu học công lập của một quận trung tâm ở TPHCM trên mạng xã hội đã thu hút nhiều lượt xem và bình luận của cư dân mạng.
Theo chia sẻ của người này, chị vừa phải đóng hơn 2 triệu đồng vào quỹ lớp để tổ chức sinh nhật cho con. Những năm trước đây, việc tổ chức sinh nhật trong lớp cho các bé hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện và khả năng kinh tế của phụ huynh. Nhà nào kinh tế khá có thể tổ chức rình rang, ai không đủ điều kiện có thể mua một ổ bánh kem, vài quả bong bóng mang vào lớp vẫn đủ tổ chức một buổi sinh nhật vui, không kém phần ý nghĩa.
Sinh nhật lẽ ra là ngày vui lại là nỗi lo của cha mẹ
Nhưng từ đầu năm học này, giáo viên chủ nhiệm lớp con chị gợi ý những gia đình có con sinh nhật trong cùng tháng nên gộp chung lại tổ chức để tiết kiệm thời gian. Ngày tổ chức được ấn định là chiều thứ sáu tuần thứ 3 của mỗi tháng. Sau gợi ý của giáo viên, lớp đã có 2 sinh nhật các bạn có ngày sinh trong tháng 9 và tháng 10, trong đó sinh nhật sau hoành tráng hơn sinh nhật trước. Tháng này có ngày sinh của con chị và một bạn cùng lớp, giáo viên gợi ý hai gia đình nên tổ chức tiệc sinh nhật giống tháng trước vì các bé rất vui. Song khi hỏi đến chi phí, tổng tất cả các khoản mua bánh kem, trang trí lớp, mời chú hề thổi bong bóng và một người quản trò, tổ chức trò chơi hơn 4 triệu đồng. Do tháng trước có 4 bạn cùng có ngày sinh trong tháng nên chia ra mỗi gia đình chỉ đóng 1 triệu đồng. Tháng này chỉ có 2 bạn sinh nhật, mỗi nhà phải đóng hơn 2 triệu đồng.
Chị tâm sự, sinh nhật lẽ ra là ngày vui của các con nhưng vô tình đã bị người lớn chi phối, tạo thành cuộc đua hình thức không đáng có. Số tiền hơn 2 triệu đồng, với gia đình khá giả có thể không là chuyện lớn, nhưng với những gia đình có phụ huynh là công chức, đó chính là tiền ăn của cả nhà trong vòng nửa tháng. “Để đổi lấy vài phút vui vẻ ở lớp cho con, tháng này hai vợ chồng phải thắt lưng buộc bụng rồi mọi người ạ”, lời chia sẻ thẳng thắn của người mẹ khiến không ít người chạnh lòng.
Điều đáng nói ở đây là bản thân cô giáo, với thu nhập từ nghề giáo xấp xỉ lương công chức, hơn ai hết, cô phải dạy học sinh của mình bài học về sự tiết kiệm, biết quý trọng công sức, tiền bạc ba mẹ đã lao động vất vả làm ra để nuôi các con khôn lớn. Nhưng ở đây, dù vô tình hay cố ý, giáo viên đã đẩy phụ huynh vào thế khó, tạo cho cả phụ huynh lẫn học sinh ý thức về một cuộc đua hình thức không đáng có. Trong đó, cha mẹ vì không muốn con thua kém bạn bè đành bấm bụng bỏ ra số tiền đó. Bản thân học sinh vì không muốn trở thành cá biệt - sinh nhật các bạn đều có mà mình lại không có - nên sẽ cố thuyết phục, nài nỉ phụ huynh. Do đó, hoạt động tuy xuất phát điểm chỉ là lời gợi ý của cô giáo nhưng lâu dần đã trở thành quy định chung mang tính “bất thành văn” của lớp. Vô hình trung đã biến trường học thành cuộc đua xa xỉ về mặt tiền bạc, tạo thêm áp lực và gánh nặng chi phí không đáng có cho phụ huynh.
THANH THU