Việc tiếp dân nhằm trả lời những thắc mắc, khiếu nại của người dân đã được luật hóa bằng Luật Tiếp công dân. Trong xu thế xây dựng chính quyền điện tử hiện nay, việc giao tiếp giữa chính quyền với người dân trên mạng đã mang đến nhiều tiện ích, thuận tiện.
Nhanh chóng, tiết kiệm
Bà Đinh Thị Hoàng Chuyên (ngụ tại phường An Phú, quận 2) muốn biết thủ tục, giấy tờ cần thiết khi trích lục bản đồ quy hoạch. Trước đây, người dân phải lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) để hỏi, phải đi lại, mất thời gian. Nay bà Chuyên chỉ cần ngồi trước máy tính hoặc cầm điện thoại di động gửi mail đến Sở QH-KT để hỏi. Ngày 27-10-2015, bà Chuyên gửi mail nêu thắc mắc thì ngay trong ngày bà đã nhận được mail trả lời từ Sở QH-KT, với nội dung hướng dẫn chi tiết về những thủ tục cơ bản khi làm thủ tục hành chính, trích lục bản đồ.
Ông Diệp Minh (ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) cũng gửi mail đến Sở QH-KT hỏi về thông tin quy hoạch khu vực ông đang cư ngụ. ba ngày sau, Sở QH-KT đã có thư trả lời. Còn ông Nguyễn Minh An (ngụ tại phường Phước Long, quận 9) gửi mail đến Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phản ánh sự việc trước nhà ông có ngôi mộ không có người thân chăm sóc, thường bị ngập nước, gia đình ông không biết phải xử lý như thế nào. Ít ngày sau, Sở TN-MT đã có mail trả lời, thông báo ông liên hệ với Phòng TN-MT quận 9 để được hướng dẫn xử lý cụ thể. Qua đó, có thể thấy rõ sự tiện ích và thuận tiện trong việc giao tiếp qua mail giữa các cơ quan quản lý nhà nước với dân.
Mô hình chính quyền điện tử đã được UBND TPHCM quan tâm đầu tư đúng mức. Hiện nay không chỉ Văn phòng UBND TPHCM, mà các sở - ngành đều có xây dựng trang web. Trên giao diện các trang web này đều có mục đối thoại, trả lời phản ánh, đơn thư của người dân. Mail đã trở thành kênh thông tin quan trọng cho công tác tiếp dân và trả lời thắc mắc của người dân. Qua đó, người dân không phải đăng ký, chờ đợi ở cơ quan nhà nước; cán bộ tiếp dân có thể trả lời cho người dân thật nhanh, gọn. Nhiều người dân đã dùng mail để trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước, nêu thắc mắc và đề nghị tư vấn đều có chung nhận xét, giao dịch qua mail rất nhanh chóng, tiện ích và tiết kiệm. Cũng qua việc giao tiếp trên mạng, người dân còn dễ dàng liên hệ với các cơ quan chính quyền các tỉnh và các bộ - ngành, Chính phủ.
Nội dung mail của Sở QH-KT TPHCM trả lời công khai cho người dân về quy hoạch
Cần luật định về đối thoại, trả lời thư điện tử
Việc tiếp, đối thoại giữa cán bộ chính quyền với dân qua mạng là một cách làm mới trong công tác tiếp dân, qua đó các cơ quan quản lý nhà nước đã trả lời, làm rõ nhiều thắc mắc, khiếu nại của người dân.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Thông qua mail, Sở TN-MT đã nhanh chóng trả lời, tư vấn cho nhiều người dân. Người dân nhận được câu trả lời mà không phải trực tiếp đến sở, không chỉ giảm gánh nặng cho việc tiếp dân ở sở, mà thiết thực bớt phiền hà cho người dân. Do sự tiện ích này, số lượng người dân liên hệ, giao dịch với sở thông qua mạng ngày càng tăng. Hiệu quả quá rõ, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Một số người dân vẫn chưa trình bày đầy đủ, rõ ràng và thường thiếu tài liệu, nên việc trả lời, giải đáp chưa đáp ứng hết yêu cầu, mong muốn của người dân. Để khắc phục điều này, cần phải có sự nỗ lực từ cán bộ phụ trách công tác tiếp, trả lời mail”.
Về phương diện pháp lý, Luật Tiếp công dân hiện hành chỉ mới quy định về người tiếp công dân và trụ sở tiếp công dân, chứ chưa quy định việc tiếp công dân qua mạng. Chính vì chưa được cập nhật vào luật, nên tính hiệu lực của việc tiếp và trả lời công dân qua mạng chỉ mới dừng ở mức tham khảo, để biết. Tiếp và trả lời những thắc mắc, khiếu nại của người dân qua mạng là một cách làm hay, nhiều nước đã luật hóa và đi vào nề nếp. Nhà nước ta cũng cần sớm công nhận và cụ thể hóa bằng những quy định pháp luật.
TRẦN YÊN