Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về Quốc gia khởi nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Chương trình hành động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, với các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo - nghiên cứu khoa học; nghiên cứu đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo; xây dựng các đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp trong chương trình
Đào tạo doanh nhân toàn cầu, do Chính phủ Hàn Quốc và UNESCO tài trợ.
Quyết tâm của Bộ GD-ĐT đã được nhiều trường nhanh chóng hiện thực hóa bằng nhiều chương trình khởi nghiệp thực tế để tiếp sức cho sinh viên.
Sục sôi tinh thần khởi nghiệp
Bộ GD-ĐT đã gấp rút xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với tinh thần đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả, thể hiện ở chỗ những nội dung của đề án khi đặt ra thì các trường và sinh viên phải làm được. Với đề án trên, mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng là phải nâng cao tinh thần khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học (ĐH) trong cả nước, đồng thời hình thành đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp chuyên nghiệp, có trình độ cao để thực hiện công tác đào tạo về khởi nghiệp trong các trường ĐH.
Chương trình hành động quốc gia khởi nghiệp của Bộ GD-ĐT đã tạo hiệu ứng tốt khi nhiều trường ĐH đẩy mạnh và tổ chức nhiều hội thảo, chương trình tập huấn khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên. Mới đây, Vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM) đã tổ chức lớp tập huấn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 30 giảng viên của 11 trường ĐH tại TP. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã mời Sở Khoa học - Công nghệ TP, Công ty Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM… tham gia các cuộc hội thảo, tư vấn về nội dung khởi nghiệp. Ngoài ra còn có những cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên tại hội thảo sinh viên khởi nghiệp.
Với đặc thù trường trong doanh nghiệp, gắn với triết lý đào tạo “thực học - thực hành - thực danh - thực nghiệp”, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình hành động quốc gia khởi nghiệp do Bộ GD - ĐT khởi sướng với nhiều hội thảo và chương trình huấn luyện, đào tạo khởi nghiệp. Trước đó, từ năm 2014, trường đã quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp khi tổ chức cuộc thi hành trình khởi nghiệp, thành lập trung tâm sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp. Rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đã thành công với sự hỗ trợ của nhà trường. Đáng nói hơn, trường cũng là đơn vị duy nhất của cả nước tổ chức chương trình Đào tạo doanh nhân toàn cầu - Global Entrepreneurship Training (GET), do Chính phủ Hàn Quốc và Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tài trợ. Chương trình GET là một trong các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đây là chương trình đào tạo nhằm giới thiệu cho những nhà lãnh đạo tương lai những kỹ năng, kiến thức bổ ích trong việc khởi nghiệp, quản trị, marketing...
Nhiều hỗ trợ thực tế
Trường ĐH không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà phải là nơi đầu tiên gieo mầm những mơ ước sáng tạo, những khát vọng thành công cho sinh viên, đồng thời cũng là nơi tiên phong giúp các em biến ước mơ, khát vọng đó thành hiện thực. Và để biến những khát vọng sáng tạo ấy thành hiện thực, nhiều trường không chỉ nói “suông” mà đã có nhiều chính sách đồng hành cùng sinh viên, giảng viên.
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: Quỹ khởi nghiệp cho sinh viên của trường với nguồn vốn lên đến 10 tỷ đồng, sẽ hỗ trợ sinh viên vay vốn 50 - 500 triệu đồng để thực hiện khởi nghiệp. Đối tượng được tham gia khởi nghiệp tại trường phải là sinh viên năm thứ 2 trở đi, có học lực cuối năm xếp loại khá trở lên và dự án phải thực hiện theo nhóm với tối thiểu 3 người. Trường hợp đặc biệt, sinh viên có thể vay trên 200 - 500 triệu đồng nếu có bảo lãnh của gia đình và dự án đầu tư. Thời gian vay không quá 36 tháng; tuy nhiên, với những dự án lớn và hiệu quả đầu tư cao thì có thể gia hạn vay vốn thêm. Để được vay vốn, sinh viên cần có ý tưởng sáng tạo, dự án đầu tư, phương án kinh doanh khả thi và hiệu quả, được hội đồng thẩm định thông qua. Mục tiêu khởi nghiệp không chỉ hướng về lợi nhuận tài chính mà còn hướng tới ý tưởng khởi sự phục vụ cộng đồng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động. Trước khi khởi nghiệp, sinh viên cần phải nỗ lực học tập và nghiên cứu để có nền tảng kiến thức và kỹ năng tốt nhất.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: “Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần hội tụ nhiều điều kiện, nhưng một trong những yếu tố không thể thiếu đó là sự định hướng, hỗ trợ và hậu thuẫn của nhà trường. Để thúc đẩy cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, trường cũng cho ra đời các trung tâm hỗ trợ những dự án khởi nghiệp như Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp, Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo. Hàng năm, nhà trường trích ra hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp của sinh viên được thực hiện một cách tốt nhất. Hiện tại, nhà trường đang tài trợ vốn mồi cho 7 dự án, mỗi dự án 20 triệu đồng. Đầu tháng 2-2017, thông qua chương trình ký kết với Tỉnh ủy Bến Tre để thực hiện chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”, tỉnh này đã đầu tư 1,3 tỷ đồng cho đề tài nghiên cứu quy trình sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ nguồn protein phế thải của quá trình chế biến thủy sản.
|
THANH HÙNG