- Chỉ có ở xứ mình mới có chuyện trường đại học mở ra ùn ùn, nhưng...
– Chắc là trường không có chỗ “định cư”, mà toàn đi thuê mướn địa điểm?
– Không, cái đó chỉ là cái vỏ. Cái không có ở trong “hồn vía” của trường mới ớn chứ. Quá trời trường không có giảng viên cơ hữu, không có chương trình đàng hoàng, và không có thư viện luôn. Sinh viên lên lớp cứ cắm cúi ghi theo thầy đọc, sau đó về học “chay”. Chữ nào không rớt mất thì sẽ còn!
– Vụ này nói mấy năm nay, vẫn thế. Không liên quan gì mấy, nhưng nhân nói chuyện chuẩn, mới nhớ giấy ăn, giấy vệ sinh xứ mình cũng được sản xuất hà rầm. Nhưng các thứ giấy “nhạy cảm” này chỉ có tiêu chuẩn cơ học chứ không có tiêu chuẩn vi sinh, hóa lý hoặc bụi. Nghĩa là người ta chỉ quan tâm nó có dễ rách hay không, chứ chẳng thèm biết xài nó có hại hay không.
– Ờ, cũng chẳng liên quan gì hai chuyện vừa nói, nhưng tôi cũng nhớ ra nhiều cuộc đấu giá từ thiện được truyền hình trực tiếp. Món nào đấu giá cũng tiền tỷ, xướng danh vang lừng cả cõi. Rồi sau đó, người trúng đấu giá lặn mất tiêu, không sủi tăm. Báo hại ban tổ chức mang tiếng xấu. Lạ đời là chuyện đó năm nào cũng có, dù người ta đã có “kinh nghiệm đau thương”.
– Vậy ba chuyện lạc quẻ nhau đó có gì chung?
– Có, là hỏi các ông quản lý cho từng lĩnh vực, đều có chung câu trả lời trớt quớt: tình hình phức tạp, còn đang nghiên cứu!
Tư Quéo