Tiếp tục tìm cơ chế phát triển KH-CN

Tại buổi gặp mặt các nhà khoa học là đại diện các viện, trường ĐH, doanh nghiệp (DN) KH-CN trên địa bàn TP vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng: “Chỉ có chất xám mới là tài nguyên vô tận, tận dụng và phát huy chất xám mới phát triển được KH-CN, khi đó KH-CN mới trở thành động lực tạo bước đột phát cho nền kinh tế”.
Tiếp tục tìm cơ chế phát triển KH-CN

Tại buổi gặp mặt các nhà khoa học là đại diện các viện, trường ĐH, doanh nghiệp (DN) KH-CN trên địa bàn TP vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng: “Chỉ có chất xám mới là tài nguyên vô tận, tận dụng và phát huy chất xám mới phát triển được KH-CN, khi đó KH-CN mới trở thành động lực tạo bước đột phát cho nền kinh tế”.

Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi công nghệ để phát triển sản xuất. Ảnh: T. BA

Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi công nghệ để phát triển sản xuất. Ảnh: T. BA

Gắn KH-CN vào DN

Để KH-CN thực sự tác động mạnh mẽ, chi phối sự phát triển nền kinh tế của TP thì bản thân các DN phải mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ và phương pháp quản lý. Nhưng thực tế cho thấy, so với các nước trong khu vực có cùng điểm xuất phát, chúng ta đã đi chậm hơn rất nhiều. GS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, dẫn chứng: “Sau chiến tranh, đặt biệt là thời kỳ đất nước đổi mới, chúng ta có nền KH-CN ngang bằng với Hàn Quốc nhưng sau hơn 30 năm, Hàn Quốc đã vươn lên tốp đầu trong khu vực. Trong khi ở ta, vẫn còn tồn tại nhiều cái cũ như cơ chế quản lý lỏng lẻo, tư tưởng “bế quan tỏa cảng” trong vấn đề chuyển giao công nghệ…”.

Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình ý kiến cho rằng các DN hiện không mặn mà lắm với vấn đề tái cấu trúc, đổi mới công nghệ trong chính đơn vị mình. Có thể vì nguồn vốn ít ỏi, các chính sách hỗ trợ KH-CN chưa thẩm thấu đến các DN và cũng có thể do tư tưởng sản xuất, kinh doanh manh mún của các DN nhỏ trên địa bàn… Thực tế cho thấy, ở đâu các DN chịu chấp nhận bỏ vốn giai đoạn đầu để thay đổi công nghệ hiện đại, ở đó khắc phục được tình trạng hao phí, tăng năng suất và lợi nhuận. Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở KH-CN TPHCM, tính đến hết năm 2011, chỉ có khoảng 24 DN đăng ký nhận hỗ trợ tái cấu trúc từ sở. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: “Thời gian tới, phải làm sao đưa KH-CN đi sâu hơn nữa vào cuộc sống, đặc biệt phải giải quyết được những nhu cầu mà DN đang cần. Bản thân DN cũng cần chủ động đặt hàng để các nhà khoa học có điều kiện tiếp xúc, đến gần hơn với đơn vị mình. DN có sức cạnh tranh, nền kinh tế mới phát triển”.

Kích thích bằng cơ chế mở

Đến thời điểm hiện tại, KH-CN vẫn chưa tác động nhiều đến các ngành nghề khác trên địa bàn TP. Điều này là dễ hiểu bởi chúng ta chưa có nhiều “mồi” kích thích, đặc biệt là kích thích bằng cơ chế. GS-TS Dương Thị Bình Minh, nguyên Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng: “Hàng năm, các nhà khoa học đều đăng ký đề tài nghiên cứu nhưng hầu hết còn nhỏ lẻ, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Thêm nữa là cơ chế xét duyệt còn sơ sài, nhà khoa học còn nhiều bận tâm trong vấn đề xin và quyết toán kinh phí. Nếu không khắc phục những điểm yếu này, nền KH-CN TPHCM khó phát triển như kỳ vọng”.

Còn theo Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC, Đại học Quốc gia TPHCM, các nghiên cứu khoa học hiện tại chưa cho ra nhiều sản phẩm hoàn thiện, trong khi các DN lại cần những kết quả có thể thương mại hóa ngay được. Vì thế, chính nhà nước phải bỏ kinh phí hỗ trợ các nhà khoa học đi đến cùng các nghiên cứu của mình. Khi đó, chính các DN phải là người quay trở lại bỏ tiền để được sử dụng các sản phẩm hoàn thiện. Bên cạnh đó, DN cần thay đổi tư duy về việc đầu tư công nghệ. “Ở phương Tây, việc đầu tiên là giảm phế phẩm, tăng năng suất từ việc nâng cao tay nghề cho công nhân. Vì thế, tập trung cho nguồn nhân lực là việc làm đầu tiên và cần thiết. Nền kinh tế trí thức không chỉ nâng cao công nghệ, chất lượng dịch vụ mà đưa những kiến thức mới vào cho từng công nhân, từng cán bộ áp dụng” - TS Dương Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển Khai (R&D), Khu Công nghệ cao TPHCM, nêu ý kiến.

Trước những ý kiến của các nhà khoa học, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà khẳng định, trong năm 2012, TP sẽ cho xây dựng, đưa vào áp dụng ngay cơ chế thẩm định và mua trọn gói đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Với cơ chế này, các nhà khoa học sẽ tự đề xuất giá sản phẩm sau nghiên cứu và chỉ cần báo cáo quyết toán tổng kinh phí nghiên cứu thay vì nhiều cơ chế quyết toán chi tiết như hiện nay. Đây là biện pháp giảm bớt áp lực cho các nhà khoa học bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đặt hàng nghiên cứu…

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục