(SGGPO).- Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đã được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể sáng nay, 26-10.
Theo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày trước Quốc hội, liên quan đến quy định Tòa án không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự khi chưa có điều luật áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, đây là một bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân (TAND).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày trước Quốc hội
“Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định”, ông Nguyễn Văn Hiện nhận định.
Đại biểu (ĐB) Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) tán thành quan điểm nêu trên. Ông nói: “Việc Tòa án từ chối giải quyết tranh chấp dân sự khi chưa có điều luật áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng không bảo đảm quyền công dân, quyền con người đã được Hiến định”.
Cơ bản đồng tình ý kiến này, song ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tỏ ra thận trọng hơn: “Tôi tán thành áp dụng án lệ, tương tự pháp luật và phong tục tập quán trong xét xử, nhưng yêu cầu đương sự khi khởi kiện phải chứng minh được quyền, lợi ích hợp pháp của mình và phải có chế tài vật chất trong trường hợp tòa bác đơn kiện. Như vậy mới đảm bảo không có việc khởi kiện tùy tiện”.
Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền phản biện: “Thêm chữ “hợp pháp” vào là cản trở quyền của công dân đề nghị Tòa án xét xử và có thể trở thành lý do để Tòa gạt vụ việc ra không giải quyết cho người dân. Hợp pháp hay không Tòa xử xong mới biết được”.
Đáng lưu ý, vai trò, thẩm quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) trong tố tụng dân sự vẫn là vấn đề tiếp tục có những ý kiến tranh luận.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, UBTVQH đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như quy định tại Điều 39 của BLTTDS hiện hành và dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã trình Quốc hội kỳ họp thứ 9. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND và quy định của Hiến pháp năm 2013, UBTVQH đề nghị tiếp thu, chỉnh lý lại như quy định tại Điều 262 của dự thảo BLTTDS (sửa đổi) trình Quốc hội lần này: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng Xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng Xét xử nghị án”.
ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) đồng tình với nội dung tiếp thu, chỉnh lý: ”Tôi tiếp tục bảo vệ quan điểm đã phát biểu tại kỳ họp trước, theo đó VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng, phát biểu quan điểm về hướng giải quyết vụ án, không ảnh hưởng gì đến tính độc lập, khách quan trong xét xử”.
Về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện KSND, UBTVQH cho rằng, VKSND là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND nên việc quy định VKSND thu thập chứng cứ là không phù hợp. Như vậy, khác với Bộ luật hiện hành, dự thảo không quy định thẩm quyền này của VKSND.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền lại cho rằng, nếu không trao quyền này cho VKSND thì “Viện làm sao kháng nghị chính xác được”. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) tán thành quan điểm của ông Nguyễn Bá Thuyền. Bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu ở một nội dung khác, bà Ngô Thị Minh nói thêm: “Để đảm bảo tiến trình tố tụng chặt chẽ, công bằng, khi đại diện VKSND vắng mặt có lý do thì phiên tòa phải hoãn”. Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, để bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, UBTVQH đề nghị quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa mà vắng mặt thì Hội đồng Xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa”.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự.
ANH PHƯƠNG