Xác định vai trò dẫn dắt trong bối cảnh truyền thông số

Trong nửa thế kỷ qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã khẳng định vai trò là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu Việt Nam, hiện là tờ báo chính trị chủ lực của TPHCM, với nội dung phong phú, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

Sáng 4-5, tại Hội trường Thống nhất, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên (5-5-1975 – 5-5-2025).

29.jpg
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước và TPHCM đến dự

Để sự kiện Sài Gòn Giải Phóng luôn tỏa sáng

Buổi lễ được mở đầu với câu chuyện ấm áp từ những nhà báo đầu tiên của Báo SGGP. Đó là nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục. Họ đã gặp nhau về mặt cảm xúc. Vào năm 1963 (đất nước còn bị chia cắt ở Vĩ tuyến 17), khi đó, chàng kỹ sư Trương Quang Lục đọc được bài thơ “Vàm Cỏ Đông” của nhà thơ Hoài Vũ đăng trên Báo Văn Nghệ, để rồi trong đêm ấy, ông liền phổ nhạc bài thơ.

Nhà thơ Hoài Vũ dâng trào cảm xúc khi tình cờ nghe được bài thơ của mình được phổ nhạc, hát và thu âm, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuộc “gặp gỡ” ấy như sợi dây kết nối, để rồi sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục đều về công tác tại Báo SGGP.

50.jpg
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên
34.jpg
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên

Thế hệ đầu tiên làm Báo SGGP từ nhiều nguồn khác nhau được tập hợp lại. Tất cả đều có chung ý thức sâu sắc về trách nhiệm và vinh dự làm thế nào để sự kiện Sài Gòn Giải Phóng luôn tỏa sáng, luôn là niềm tự hào của nhân dân thành phố và cả nước.

Ý thức ấy luôn được truyền lại, ngày càng sâu đậm hơn đối với các thế hệ làm Báo SGGP tiếp theo. Ngoài địa bàn chính là TPHCM, Báo SGGP đã phát hành rộng rãi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ và nhiều tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc và miền Trung.

35.jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên

Trong nửa thế kỷ qua, Báo SGGP đã khẳng định vai trò là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu Việt Nam, hiện là tờ báo chính trị chủ lực của TPHCM, với nội dung phong phú, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội. Sự phát triển và trưởng thành của Báo SGGP còn được thể hiện rõ thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện. Báo đã khởi xướng, mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tổ chức nhiều chương trình, đợt cứu trợ đồng bào mọi miền đất nước bị thiên tai, tai nạn, để lại những ấn tượng sâu đậm về tình nghĩa đồng bào.

Đặc biệt hơn cả là những chương trình xã hội thường niên, truyền thống xuyên suốt hàng chục năm qua như: Giải thưởng Tôn Đức Thắng, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng Văn hay chữ tốt, học bổng Nguyễn Văn Hưởng, giải thưởng Doanh nghiệp xanh, chương trình Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường... Hiện nay, Báo SGGP xuất bản các ấn phẩm: Báo SGGP ngày, SGGP Hoa văn, SGGP Đầu tư Tài chính, SGGP Điện tử tiếng Việt, tiếng Anh và trên các nền tảng số khác.

32.jpg

Kiên định với tôn chỉ “Đưa ý Đảng đến với dân – Đưa lòng dân đến với Đảng”

Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn cho biết, đây không chỉ là dịp để Báo SGGP cùng nhìn lại chặng đường vẻ vang đã qua, mà còn là thời khắc để xác định rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Báo SGGP trong việc góp phần vào thực hiện khát vọng vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng của TPHCM và đất nước.

z6566434584760_e77a7a77bbde51f2f2e6f7eed987eca0.jpg
Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn phát biểu tại lễ kỷ niệm

Theo nhà báo Nguyễn Khắc Văn, 50 năm qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ quý báu, kịp thời của các ngành, các cấp, trực tiếp là Thành ủy TPHCM, Báo SGGP luôn kiên định với tôn chỉ “Đưa ý Đảng đến với dân – Đưa lòng dân đến với Đảng”, phản ánh trung thực, sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và cả nước. Hiện trung bình mỗi ngày trên hệ sinh thái SGGP số có khoảng 1,6 triệu lượt truy cập, tương tác và Báo đặt mục tiêu đạt con số 2 triệu lượt vào cuối năm nay. Trong môi trường truyền thông số, SGGP cũng xác định vai trò là một “kênh kiểm chứng thông tin”, đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mọi nền tảng báo chí.

49.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm Báo SGGP tại lễ kỷ niệm

Ngày 30-4-1975, Thành phố Sài Gòn và miền Nam được giải phóng. Chỉ 5 ngày sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 5-5-1975, theo Quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy TPHCM), một tờ báo xuất bản hàng ngày khổ lớn mang tên Sài Gòn Giải Phóng được in ấn và phát hành với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Sài Gòn mới được giải phóng.

Suốt 50 năm hình thành và phát triển, Báo SGGP đã vinh dự được tặng thưởng: 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Ba; 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều năm liền được nhận Bằng khen của Thành ủy, Cờ của UBND TPHCM…

Tin cùng chuyên mục