Bộ Công thương cho biết, sau 5 năm thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2010 - 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các chương trình, đề án có liên quan đến BĐKH đã có nhiều đóng góp đáng kể.
Cụ thể, Bộ Công thương đã triển khai thực hiện Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, qua đó một số chính sách quan trọng đã được xây dựng để thực hiện nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012 - 2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).
5 năm, 386 dự án
Trong bối cảnh BĐKH ảnh hưởng lên toàn cầu, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ra đời của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã giúp nâng cao ý thức của doanh nghiệp (DN), người dân về sử dụng năng lượng. Đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết, sau gần 5 năm triển khai luật này và các đề án trong khuôn khổ Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Các công trình xây dựng bằng vật liệu “xanh” giúp giảm thiểu phát thải nhà kính và tiết kiệm năng lượng sử dụng. Ảnh: HUY ANH
Số liệu từ Tổng cục Năng lượng cho biết, tính đến tháng 6-2015, chương trình đã thực hiện được 386 dự án. Các dự án của chương trình tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính, đó là giáo dục tuyên truyền; phát triển các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; sử dụng năng lượng hiệu quả trong tòa nhà và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải. Theo ước tính của Viện Năng lượng, trong giai đoạn 2011- 2015, mức năng lượng tiết kiệm được đạt 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Trong đó, có sự chung tay của nhiều ngành liên quan, chẳng hạn như: ngành giao thông - vận tải, nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đã được triển khai như ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phương tiện vận tải hành khách công cộng; ban hành tiêu chuẩn, quy trình về dán nhãn năng lượng đối với ô tô dưới 7 chỗ ngồi... Đối với dự án tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà, Bộ Xây dựng đã ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa nội dung dự thảo các quy định về chiếu sáng công cộng để tiết kiệm năng lượng.
Giao chỉ tiêu giảm phát thải nhà kính
Hiện Bộ Công thương đã hoàn thành nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và đang tiếp tục cho lĩnh vực năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững, Bộ Công thương đã triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2010 - 2020 đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể như: xây dựng trên 20 hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sạch hơn cho các ngành dệt, giấy, tinh bột sắn, bia, mạ điện, đúc, xi măng, tấm lợp, sơn, dừa; xây dựng được các giải pháp về quản lý nội vi, cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao công suất. Hàng năm, chương trình đã bố trí hàng trăm dự án đầu tư, hỗ trợ, trong đó có khoảng 20% các dự án có nội dung liên quan đến áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Kết quả thực hiện đã góp phần không nhỏ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy các hoạt động áp dụng sản xuất sạch hơn tại DN mình.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình MTQG ứng phó với BĐKH, tại Việt Nam, ứng phó với BĐKH chủ yếu hướng tới chống nước biển dâng. Nếu trong giai đoạn tới, Việt Nam không tích cực trong các hoạt động ứng phó với BĐKH thì sẽ xảy đến nhiều nguy cơ khôn lường, đặc biệt ảnh hưởng rất nặng nề do nước biển dâng tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trong thời gian tới là rất nặng nề, trong bối cảnh BĐKH đã trở thành vấn đề mang tính cấp bách, các cơ hội đan xen nhau nhưng các thách thức cũng đòi hỏi sự hợp tác lâu dài không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu. Thứ trưởng cho biết, để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho Chương trình trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Công thương sẽ tập trung vào các giải pháp ứng phó với BĐKH; tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về BĐKH, nước biển dâng; thay đổi nhận thức để dẫn đến thay đổi hành vi của tổ chức, DN, cá nhân; thay đổi chính sách cho các nhà máy điện than, hóa chất… theo hướng giảm phát thải nhà kính. “Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ giao chỉ tiêu giảm phát thải nhà kính cho các DN, có chế tài, thưởng phạt cụ thể; tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, huy động các DN tham gia vào các chương trình giảm phát thải nhà kính, ứng phó BĐKH; bổ sung vào danh sách các tập đoàn có lượng phát thải nhà kính lớn để các tập đoàn nắm bắt tình hình, triển khai các giải pháp nhằm ứng phó BĐKH tốt hơn, góp phần vào công cuộc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam ngày một hiệu quả”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
HÀ PHƯƠNG