Tiết kiệm hay hà tiện?

Những ngày qua, trên nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội thành TPHCM dù trời đã tối nhưng đèn đường vẫn chưa được mở, khiến dòng người phải lưu thông căng thẳng dưới ánh sáng tù mù phát ra từ đèn xe. Gặp những lúc mưa dông, phương tiện đông đúc, giao thông tắc nghẽn, việc đi lại càng khó khăn hơn. Nguyên nhân là do ngành điện lực thực hiện chủ trương tiết kiệm điện năng nên thời gian thắp sáng đèn đường có trễ hơn mọi khi.

Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã tiết kiệm được hàng trăm triệu kWh điện, tương đương số tiền hơn 300 tỷ đồng và được Thủ tướng đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tiết kiệm điện năng tại TPHCM cần thực chất hơn với giải pháp mang tính chiều sâu. Nếu như việc thắp đèn đường trễ giờ làm ảnh hưởng đến lưu thông, sức khỏe người dân thì đó chưa thể nói là tiết kiệm mà là… hà tiện. Có những hộ dân sau khi đăng ký tham gia chương trình tiết kiệm điện, buổi tối không dám mở điện cho đủ sáng vì sợ không đạt được chỉ tiêu yêu cầu! Biện pháp tuyên truyền tiết kiệm điện trực quan như phát tờ rơi, trên phương tiện truyền thông đại chúng, in cẩm nang hướng dẫn sử dụng sản phẩm tiết kiệm điện phát trực tiếp đến tận hộ dân… là cần thiết trong giai đoạn đầu kêu gọi ý thức của nhân dân. Nhưng quan trọng hơn hết là đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng xanh, điện mặt trời, tiết kiệm điện năng, trong đó phân tích, tuyên truyền để người dân thấy được rõ hiệu quả của nó một cách cụ thể, vì nếu nói chung chung rất khó thuyết phục như cách làm hiện nay.

Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, khi sản xuất ra bất kỳ sản phẩm nào, ngoài yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu, yêu cầu không kém phần quan trọng đối với sản phẩm ấy là tiết kiệm nhiên liệu. Hay khi xây một căn nhà, họ cũng tính đến thiết kế như thế nào để lấy được nhiều không khí, ánh sáng nhằm tiết kiệm được điện… Nói chung, tất cả giải pháp phải được thực hiện bài bản, đồng bộ và khoa học.


MAI ANH

Tin cùng chuyên mục