Hai chữ “tiết kiệm” nói thật dễ và ai cũng nói được nhưng khi thực hiện mới thấy khó nếu việc tiết kiệm không “đụng” đến chính túi tiền của bản thân từng người. Khi giá cả mỗi ngày một tăng, bà nội trợ “tay hòm chìa khóa” mới bắt đầu tính toán cân nhắc khi mua bó rau con cá; người công nhân tan ca lo bữa ăn chiều nhiều lần nhấc lên đặt xuống cái trứng, lạng thịt.
Là một gia đình thu nhập trung bình khá, từ mùa khô năm ngoái, thực hiện lời kêu gọi tiết kiệm điện của nhà nước, đến nay thấy tiết kiệm được khá nhiều. Mỗi phòng sinh hoạt, trước đây gắn 4 bóng đèn huỳnh quang 1,2m nay đã được thay bằng 2 bóng đèn compact và chỉ mở một bóng luân phiên. Máy nước nóng trực tiếp tôi cũng tháo ra, thay bằng máy nước nóng năng lượng mặt trời. Thật tình mà nói, giá máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng khá cao, từ 8 - 10 triệu đồng nhưng tính kỹ mới thấy lợi nhiều.
Trước tiên, sử dụng máy này khá an toàn, không lo bị rò điện. Tiếp đến, do không sử dụng điện nên rất tiện lợi khi dùng trong nhà bếp khi rửa chén dĩa có dính dầu mỡ. Nếu tính toàn thời gian sử dụng, khấu hao chi phí mua máy thì dùng máy này rất tiết kiệm. Tại phòng ăn hoặc phòng sinh hoạt chung, trước đây các cháu hay có thói quen bật quạt máy liên tục khi xem ti vi thì nay chỉ sử dụng khi nào thật cần thiết. Thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất là bàn ủi cũng được vợ chồng tôi tính toán kỹ lưỡng.
Quần áo dày và bằng chất liệu cotton như quần jeans… khi giặt xong thì giũ thẳng, phơi khô và mặc, không cần ủi. Việc ủi quần áo rất hạn chế và chỉ ủi vào giờ thấp điểm. Đối với máy lạnh, khi trời quá nóng mới sử dụng, từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng là tắt và chỉ để ở chế độ mát (26 độ). Với cách sử dụng điện như vậy, tiền điện hàng tháng của nhà tôi từ khoảng 700.000 đồng/tháng, giảm còn khoảng 450.000 đồng/tháng.
Đối với chi tiêu hàng ngày, bài toán thật không dễ dàng nhưng không phải không có cách giải. Trước đây, chúng tôi cho tiền các cháu ăn sáng ở trường hoặc ăn bên ngoài. Chỉ riêng tiền ăn sáng cho 4 người như vậy cũng mất gần 100.000 đồng/ngày. Nay hàng tuần vợ tôi đi siêu thị mua hoành thánh, há cảo… về trữ trong tủ lạnh hoặc mua mì gói, trứng… để chế biến đồ ăn sáng cho cả nhà.
Vừa rẻ, vừa tiết kiệm lại an tâm về chất lượng vệ sinh. Thói quen hàng tuần cả nhà đi ăn bên ngoài một lần cũng được tiết giảm nên tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thực phẩm chế biến cho bữa ăn hàng ngày cũng được tính toán chi li, đều mua trong siêu thị để ăn trong một tuần; giảm thịt, tăng cá và rau; trái cây quen thuộc là chuối vì rẻ tiền và lợi cho sức khỏe. Các thiết bị đồ dùng học tập của các cháu, tôi “rà soát” lại, tập bút nào còn xài được thì khuyên các cháu tận dụng… Điều tôi mừng nhất là các cháu đã có ý thức tiết kiệm hơn khi sử dụng các trang thiết bị hoặc chỉ mua sắm khi cần thiết.
Theo tôi, thói quen tiết kiệm hình thành khi nào người ta nhận thức rằng đất nước khó khăn, việc tiết kiệm không chỉ có lợi cho bản thân và gia đình mình mà còn có lợi cho toàn xã hội. Xây dựng và hình thành thói quen tiết kiệm là điều rất quan trọng. Tiết kiệm không phải là keo kiệt mà tiết kiệm, đầu tiên là có lợi cho bản thân mỗi người, mỗi gia đình. Không chờ khi nhà nước kêu gọi tiết kiệm mà làm sao hình thành thói quen tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày, kể cả khi cả đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này…
THANH NHIÊN (Quận 8)
Tiết kiệm vì cuộc sống cộng đồng
Tôi rất hoan nghênh Báo Sài Gòn Giải Phóng đã mở diễn đàn “Tiết kiệm, ích nước lợi nhà”. Đây là một “kênh” để mỗi người, mỗi gia đình nói lên suy nghĩ, kinh nghiệm của mình trong việc tiết kiệm là cần thiết, nhất là khi giá cả leo thang, kinh tế lạm phát.
Theo tôi, chúng ta đừng nghĩ tiết kiệm là làm những điều gì to tát, mà tiết kiệm ngay từ cách tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần một động tác nhỏ, một lưu tâm nhỏ như ra khỏi phòng tắt các thiết bị điện không cần thiết, bảo vệ của công… là đã góp phần giảm thiểu lãng phí, mà trực tiếp là giảm bớt túi tiền của người tiêu dùng. Đơn cử như gia đình tôi, trước đây dùng 3 máy điều hòa cùng các thiết bị điện khác, chỉ tính riêng tiền điện lên tới 1,6 triệu đồng/tháng.
Cho dù thu nhập của đại gia đình tương đối ổn định, song vẫn chật vật vì tiền điện “ngốn” gần bằng tháng lương của một lao động phổ thông. Từ khi giá điện tăng và ý thức được sự lãng phí “quá đà”, thay vì chạy máy lạnh suốt đêm thì chỉ bật 4 tiếng đồng hồ; máy giặt ngày hoạt động 1 lần thì nay 2 ngày giặt một lần. Quần áo trước đây ngày nào cũng ủi thì nay gom lại ủi một lần…
Nhờ tiết kiệm mà gia đình tôi đã giảm được phân nửa số tiền điện. Tôi mong có nhiều người tiết kiệm điện, giảm được chi tiêu cho gia đình mà trên hết, theo ngành điện, nhiều người cùng tiết kiệm điện sẽ giúp hạn chế cắt giảm điện mùa khô sắp tới. Tiết kiệm điện rõ là điều cần thiết hiện nay, vì gia đình và cũng vì lợi ích cộng đồng.
MAI THẮNG (Vũng Tàu)