“Tiền để bị cấn lưng hay sao mà con cứ đi nhậu hoài vậy?”, đó là câu bà ưa nói khều con cháu khi phát hiện chúng cứ mỗi chiều là nhậu. Có đứa cháu cũng trả lời nửa đùa, nửa thật: “Đi làm việc phải ngoại giao chứ bà”. Bà nói ngay: “Ừ! Bà chỉ sợ hao tiền, tốn sức khỏe, mới đầu ngoại giao sau là đến ngoại tình”. Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chuồng heo” nha con”.
Không chỉ rèn con cháu chuyện ăn nhậu phung phí, bà còn là tấm gương về sự tiết kiệm. Đong gạo nấu cơm bà nhắc con cháu phải đong lưng lon, bà nói, cứ xem phần chưa đầy là phần tiết kiệm. Thời bao cấp, ăn gạo theo tem phiếu, nhiều nhà thiếu trước hụt sau do đầu tháng ăn nhiều, thâm đến cuối tháng phải vác rá đi vay, riêng nhà bà nhờ cách đong gạo như trên còn có đủ gạo ăn đến cuối tháng và còn giúp cho hàng xóm những khi thắt ngặt. Thực phẩm ăn trong ngày, con cháu nấu nướng dư thừa phải đổ bỏ là bà trách: “Người ta không của mà ăn, phí phạm vậy là không nên”. Bà quan niệm, nhà có 5 người thì chỉ nên mua 4 phần thực phẩm để nấu nướng. Ăn có ít, hơi thiếu vậy thì mới nghĩ đến chuyện nhường nhịn, san sẻ cho nhau và còn ngon miệng; ăn thừa mứa vừa mất ngon vừa phí phạm. Thói quen tiết kiệm có phần thắt chặt trong ăn uống đó, bà còn duy trì cho con cháu đến tận ngày nay, dù đời sống đã không còn thiếu thốn như thời bao cấp.
Con cháu mới lập gia đình ra riêng, đòi vay tiền xây nhà hoành tráng là bà nhắc ngay: “Khôn cất trại, dại cất nhà” nghe con! Trại là trại cưa, trại nấm, trại gà, trang trại… Còn trẻ, tiền để dành đầu tư làm cái này, cái kia cho phát triển. Có ít tiền vay sản xuất bà sẽ cho ngay, còn cất nhà to để rồi nợ ngập đầu, suốt đời chỉ cắm đầu làm trả nợ là không nên.
Có thể vì nết chi tiêu tiết kiệm, nếp làm cần cù vậy mà con cháu nhà bà đều khá giả, trên dưới hòa thuận. Bà thường nói: “Tiết kiệm là quốc sách”.
Cứ nghĩ đến chuyện mấy ông quan lãng phí xe công, ham bắn pháo hoa, đam mê lễ hội phù phiếm hay xây dựng các công trình hoành tráng ngàn tỷ… khi dân còn nghèo, là thêm quý cách tiết kiệm của bà.
THIỆN SƠN