Theo Russia Today, trang Wikileaks vừa công bố hàng trăm ngàn bức điện tín ngoại giao, tiết lộ thông tin gây chấn động: Bộ Ngoại giao Mỹ đã tích cực vận động hàng lang cho các sản phẩm của Monsanto - một công ty hóa chất của Mỹ từng sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ rải xuống làng mạc Việt Nam những năm 1960, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những thông tin này đã hé lộ vì sao Monsanto và các công ty hóa chất, mà giờ đây họ gọi bằng cái tên mỹ miều “công ty công nghệ sinh học”, luôn đạt lợi nhuận “khủng” bất chấp sự phản đối của dư luận trong và ngoài nước.
Con cưng của Chính phủ Mỹ
260.000 bức điện tín ngoại giao bị rò rỉ cho thấy, các nhà ngoại giao Mỹ đã yêu cầu tài trợ trong các chiến dịch vận động hàng lang dành cho các chính trị gia, các chuyên gia nông nghiệp tại các quốc gia mà Monsanto và các công ty hóa chất cần tiếp thị sản phẩm, đặc biệt tại một số khu vực như châu Phi, châu Mỹ Latinh, nơi chưa phát triển các loại cây trồng biến đổi gen và một số nước châu Âu. Những bức điện tín ngoại giao có thời gian từ năm 2005 đến 2006 tiết lộ Mỹ đã vạch rõ chiến lược, chiến thuật, mục tiêu trong các chính sách đối ngoại để gắn với chính sách công nghệ sinh học nông nghiệp trên toàn thế giới.
Sau khi Wikileaks công bố những bí mật này, Tổ chức bảo vệ khách hàng Food& Water Watch cũng đưa ra bản báo cáo điều tra cho biết, giữa Chính phủ Mỹ và một số công ty công nghệ sinh học đã tồn tại mối quan hệ đối tác thân thiết. Những điều tra đã phần nào lý giải được những cáo buộc trước đây cho rằng, Chính phủ Mỹ luôn bảo vệ các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto. Tại Mỹ, có những cơ quan lớn của chính phủ đặc trách trông coi về thực phẩm như Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Quản lý thực phẩm dược phẩm (FDA). Nhưng từ trước đến nay, các cơ quan này đều để lọt những vi phạm của Monsanto từ môi sinh, an toàn tiêu thụ, và việc tiêu thụ sản phẩm biến đổi gen. Khi người dân được báo về nguy cơ gây bệnh do dùng sản phẩm của Monsanto, các nhà điều tra cũng không được phép dùng mẫu cây, trái, hạt giống của Monsanto để điều tra.
Vào cuối tháng 3, Tổng thống Obama đã ký ban hành một đạo luật gây nhiều tranh cãi có tên gọi “Đạo luật bảo vệ Monsanto” do nhiều nghị sĩ bảo trợ. Các nghị sĩ này được cho là đã nhận hàng trăm ngàn USD từ Monsanto. Mới đây nhất là vụ Tòa án Tối cao Mỹ đứng về phía Monsanto khi buộc tội một nông dân bang Indiana vi phạm bản quyền sáng chế của Monsanto, bằng cách sử dụng hạt giống đặc biệt do ông tạo ra mà không cần ký hợp đồng với công ty.
Giám đốc điều hành của Food&Water Watch, ông Wenonah Hauter, chua chát nói: “Bộ Ngoại giao Mỹ đã bán hạt giống thay vì dân chủ”. Báo cáo của Food&Water Watch đã cung cấp bằng chứng đáng sợ cho thấy tầm ảnh hưởng của các công ty hóa chất - sinh học lên chính sách ngoại giao Mỹ như thế nào và chúng đã phá hoại các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy an ninh, phát triển quốc tế trên toàn thế giới. Ông Hauter nhấn mạnh, báo cáo là một lời kêu gọi hành động đối với người Mỹ bởi chính sách công không phải để bán cho người trả giá cao nhất.
Tạo thị trường có lợi cho Monsanto
Đọc những bức điện tín, dư luận phát hiện để thực hiện chiến dịch vận động cho sản phẩm của các công ty hóa chất, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gắn mác “chính sách ủng hộ công nghệ sinh học dành cho chính phủ nước ngoài”. Có 4 phương pháp vận động chính: thúc đẩy lợi ích kinh doanh công nghệ sinh học; vận động và thuyết phục các chính phủ nước ngoài lách luật hoặc quy định về công nghệ sinh học; bảo vệ xuất khẩu công nghệ sinh học Mỹ; phát triển các vụ mùa chấp nhận sản phẩm công nghệ sinh học. Trong bức điện gửi từ Lãnh sự quán Slovakia năm 2005 có đoạn: “Địa phương đang nỗ lực để xua đi những nghi ngờ về các sản phẩm biến đổi gen và ủng hộ các sản phẩm của Monsanto”. Còn trong năm 2009, bức điện tín phát từ Madrid, Tây Ban Nha thông báo Monsanto đã đưa ra yêu cầu khẩn cấp để chống lại một chiến dịch phản đối biến đổi gen. Những tiết lộ khác trong bức điện tín cũng cho thấy làn sóng ủng hộ các sản phẩm biến đổi gen từ lâu được phía Mỹ vận động tại Hồng Công (Trung Quốc), Liên minh châu Âu, Ai Cập…
Theo tờ Russia Today, những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành vận động cho Monsanto đã chứng minh cho sự sẵn sàng đặt lợi nhuận một trụ sở công ty lên trên sức khỏe của người dân sống tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ronnie Cummins, Giám đốc điều hành Hiệp hội Người tiêu dùng sản phẩm chức năng (Organic Consumers Association), cho rằng: “Không ngạc nhiên khi Monsanto, DuPont, Syngenta, Bayer và Dow muốn duy trì và mở rộng quyền kiểm soát của họ về thị trường hạt giống công nghệ sinh học toàn cầu 15 tỷ USD, nhưng điều kinh khủng hơn, Bộ Ngoại giao đã đồng lõa trong việc hỗ trợ các mục tiêu của họ mặc cho sự phản đối của dư luận ở Mỹ cũng như một số quốc gia khác. Tiền nộp thuế của người dân không thể sử dụng cho việc thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh của một vài công ty công nghệ sinh học”.
Tuy được Chính phủ Mỹ “nhiệt tình” bảo vệ nhưng làn sóng phản đối các sản phẩm của Monsanto và các công ty công nghệ sinh học Mỹ vẫn diễn ra trên toàn cầu vì hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về tác hại của những hạt giống biến đổi gen đến sức khỏe con người. Từ ngày 25-5, các nhà hoạt động vì môi trường tại 36 quốc gia ở khắp các châu lục sẽ tổ chức những cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối các sản phẩm của Monsanto và yêu cầu chính phủ ngưng sử dụng các hạt giống được cho là gây hại đến các vụ mùa này. Trong đó, có 4 cuộc biểu tình diễn ra London, Bristol (Anh), hai cuộc biểu tình ở Paris (Pháp). Tính riêng tại Mỹ, đã có 48/50 bang đăng ký tổ chức biểu tình.
PHƯƠNG NAM (tổng hợp)