Chính phủ Hungary vừa thông báo sẽ tiến hành điều tra các hãng thực phẩm lớn áp dụng “tiêu chuẩn kép” sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm Hungary công bố kết quả nghiên cứu cho thấy rất nhiều loại thực phẩm được bày bán tại nước láng giềng Áo có mẫu mã giống hệt nhưng chất lượng lại tốt hơn nhiều so với sản phẩm bán tại Hungary.
Theo kết quả nghiên cứu do Cơ quan An toàn thực phẩm Hungary tiến hành đối với 24 nhãn hàng sản phẩm được bày bán tại chuỗi các siêu thị lớn Spar, Metro, Lidl, Aldi tại Hungary và Áo, hầu hết các sản phẩm như bơ, sôcôla, súp của hãng Unilever và Nestle được bày bán tại Áo đều có hương vị thơm ngon hơn, nhiều kem hơn và kích cỡ đóng gói lớn hơn. Cụ thể, tại các siêu thị ở Hungary, sản phẩm sôcôla nhân hạt phỉ Nutella của hãng Ferrero có thành phần kem ít hơn, hương vị Coca-Cola kém hơn, hay định lượng sản phẩm mỗi gói súp Knorr của Unilever tại Hungary ít hơn tới 20% sản phẩm bán tại thị trường Áo. Tương tự, sản phẩm bột ca cao Nestle bán tại Áo có vị đậm đặc hơn. Chính quyền Hungary cho biết cuộc điều tra sẽ tiến hành so sánh đối với 100 sản phẩm nhãn mác giống nhau được bày bán trên thị trường Hungary và tại Áo, và kết quả sẽ được thông báo trong tháng tới.
Vụ việc này không phải lần đầu tiên được phát hiện. Trước đó, cuối năm 2016, một loạt các nước Trung Âu đã nổi giận yêu cầu các công ty thực phẩm lớn và các siêu thị ngưng bán các sản phẩm “phiên bản phụ” của các nhãn hiệu nổi tiếng như Sprite và Iglo tại những nước cộng sản cũ. Người tiêu dùng và các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện nước giải khát của Sprite đóng chai và thực phẩm đóng gói của Iglo có thể bao bì trông giống nhau ở Đức và CH Czech, nhưng hoàn toàn khác nhau về “nội dung” bên trong, mặc dù giá cả không có sự khác biệt. “Phiên bản” chai nước ngọt Sprite 1 lít ở CH Czech và cả ở Slovakia có thành phần chất tạo ngọt là fructose và glucose hay chất tạo ngọt nhân tạo aspartame và acesulfame, trong khi thành phần tạo ngọt trong chai nước này được bán ở Đức là đường.
Thực trạng này phản ánh sự phân biệt đối xử đối với người tiêu dùng ở các nước Trung và Đông Âu dù cho bức tường Berlin đã sụp đổ hơn 1/4 thế kỷ. Trong khi đó, các đại gia thực phẩm lại bao biện rằng sự khác nhau trong thành phần sản phẩm chỉ đơn giản là do những đặc thù thị hiếu khác nhau của các quốc gia khắp Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông Olga Sehnalová, một thành viên của CH Czech tại Nghị viện châu Âu cho rằng đây không phải là sự điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Rõ ràng đang có một chất lượng khác nhau khi nói đến thành phần cơ bản. Theo tờ Politico, cũng như CH Czech, các nước nghèo trong khu vực như Bulgaria, Croatia và Estonia cũng đã yêu cầu xem xét lại luật thực phẩm chung của khối. Thậm chí, các nước này yêu cầu cần liệt kê chi tiết tất cả các thành phần của sản phẩm để thông báo cho người tiêu dùng. Lại nữa, luật của thực phẩm hiện hành của EU hiện nay đòi hỏi các công ty phải ghi nhãn đầy đủ các thành phần để thông báo cho người tiêu dùng, nhưng lại không yêu cầu phải ghi rõ công thức chi tiết và cụ thể.
Để làm được điều này, theo giới phân tích, sẽ đòi hỏi nhiều năm đàm phán quanh co. Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và người tiêu dùng ở các nước phải được đối xử công bằng, không phải chấp nhận những tiêu chuẩn kép.
HẠNH CHI