Theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) năm 2010, phát thải từ giao thông đường bộ là lớn nhất (chiếm 86%); trong khi cả đường sắt, đường thủy và đường hàng không chỉ chiếm 14%.
Giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu
Về giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, tính đến tháng 12-2014, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố hiện có 6.949.285 phương tiện, bao gồm 578.138 ô tô và 6.271.147 xe máy, tăng 6,48% so với cùng kỳ (chưa kể lượng phương tiện giao thông từ các tỉnh ra vào thành phố mỗi ngày) đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố ngày càng tăng cao. Theo số liệu khảo sát từ các công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn của thành phố, năm 2014 tổng lượng xăng dầu tiêu thụ từ 510 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn ước tính khoảng 1,2 triệu m³ bao gồm 900.000m³ xăng (A92, A95), chiếm 72%; 280.000m³ dầu diesel (DO, FO), chiếm 23,3% và 20.000m³ dầu hỏa, chiếm 1,7%; tương ứng với tổng lượng phát thải trung bình từ việc đốt cháy xăng dầu để vận hành động cơ đốt trong của các phương tiện giao thông đường bộ khoảng 2,9 triệu tấn CO2/năm trong năm 2014 và ước tính khoảng 3,8 triệu tấn CO2/năm vào năm 2020.
Sử dụng xăng sinh học E5 sẽ giúp giảm phát thải khí thải nhà kính. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày càng tăng dẫn đến khả năng nhiên liệu bị bốc hơi càng lớn cộng với số lượng phương tiện giao thông không ngừng tăng lên mỗi năm, dẫn đến nhu cầu nhiên liệu ngày càng cao, vì vậy việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu góp phần giảm phát thải khí nhà kính là cần thiết, mang lại những lợi ích về kinh tế lẫn môi trường, bao gồm các giải pháp như khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thay thế cho các phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch (E5, LPG, CNG) thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch (A92, A95, dầu DO), sử dụng xe đạp điện và xe máy điện thay thế cho xe máy…
Năm 2015: Toàn bộ cửa hàng bán xăng E5
Theo số liệu tính toán, dự kiến đến năm 2018 khi dự án Metro đi vào hoạt động với khả năng vận chuyển 620.000 người/ngày, thay thế mỗi năm khoảng 77 triệu lượt xe máy, 50 triệu lượt xe ô tô và 11 triệu lượt xe buýt với tổng lượng giảm phát thải tính toán khoảng 45.000 tấn CO2/năm và khoảng 50.000 tấn CO2/năm vào năm 2020. Bên cạnh đó, việc sử dụng xăng sinh học E5 thay thế các loại xăng thông thường giúp giảm phát thải khoảng 39kg CO2/m³. Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22-11-2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1-12-2014, trên địa bàn thành phố triển khai bán đại trà xăng sinh học E5.
Theo khảo sát 58 cửa hàng bán lẻ xăng sinh học hiện nay trên địa bàn thành phố, mỗi ngày mỗi cửa hàng bán được khoảng 20% xăng E5 so với tổng lượng xăng mà cửa hàng bán được. UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình bán xăng sinh học E5 nhằm thay thế xăng A92 trên địa bàn thành phố. Theo đó, dự kiến đến ngày 30-6-2015, sẽ triển khai thêm 115 cửa hàng xăng dầu thuộc các tổng đại lý trên địa bàn thành phố tham gia phân phối xăng E5 thay thế xăng A92 hiện nay. Đến ngày 31-12-2015, phấn đấu 100% (510 cửa hàng) trên địa bàn thành phố đều bán xăng E5.
Như vậy, nếu đặt mục tiêu nâng tỉ lệ xăng E5 được bán ra ở các cửa hàng bán lẻ lên 40% trong giai đoạn 2016 - 2020 thì ước tính lượng xăng E5 bán ra trên địa bàn TPHCM là khoảng 700.800m³/năm, tương ứng với tổng lượng giảm phát thải tính toán khoảng 27.000 tấn CO2/năm. Ngoài ra, đề án sản xuất 300 xe buýt chạy bằng CNG đã được UBND TP phê duyệt và giao cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (SAMCO) thực hiện, thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2013 - 2015, góp phần giảm khoảng 3.200 tấn CO2/năm khi dự án đi vào hoạt động chính thức. Mặt khác, việc thay thế nhiên liệu thông thường bằng khí hóa lỏng (LPG) cho xe taxi, sử dụng xe đạp điện và xe máy điện thay thế cho xe máy…, cũng góp phần không nhỏ vào việc giảm khí CO2 thải vào khí quyển.
TPHCM có số lượng phương tiện giao thông nhiều với mật độ lưu thông dày đặc dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu rất lớn trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua, thành phố cũng rất nỗ lực trong việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông góp phần giảm ùn tắc trong giờ cao điểm một cách đáng kể cũng như áp dụng nhiều giải pháp giảm tiêu thụ nhiên liệu, mỗi giải pháp đều mang lại những lợi ích nhất định về mặt môi trường, cũng như về mặt kinh tế. Vì vậy, trong tương lai việc tăng cường khuyến khích áp dụng các giải pháp sử dụng nguồn nhiên liệu sạch thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch, sử dụng các phương tiện giao thông theo hướng tiết kiệm nhiên liệu là cần thiết và cần sự đóng góp của toàn dân và xã hội.
XUÂN THÁI
Văn phòng BĐKH TPHCM