Tìm chỗ gởi con dịp hè: Đến hẹn lại... lo!

Năm học 2013-2014 kết thúc. Học sinh các cấp đang nô nức bước vào những ngày hè với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích. Tuy nhiên, làm thế nào để con cái vừa vui chơi hợp lý, cha mẹ vừa có thể yên tâm công tác là nỗi lo của không ít phụ huynh. Mặc dù các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa đều tổ chức các lớp sinh hoạt hè nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ huynh. Vì sao?
Tìm chỗ gởi con dịp hè: Đến hẹn lại... lo!

Năm học 2013-2014 kết thúc. Học sinh các cấp đang nô nức bước vào những ngày hè với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích. Tuy nhiên, làm thế nào để con cái vừa vui chơi hợp lý, cha mẹ vừa có thể yên tâm công tác là nỗi lo của không ít phụ huynh. Mặc dù các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa đều tổ chức các lớp sinh hoạt hè nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ huynh. Vì sao?

        Nhiều nhưng vẫn thiếu

Mặc dù cuối tháng 5 mới là thời điểm kết thúc năm học 2013-2014 nhưng ngay từ giữa tháng 5-2014, Nhà Thiếu nhi TP đã mở lớp chiêu sinh các lớp học năng khiếu như Anh văn, vẽ, thanh nhạc, múa hiện đại, võ thuật, cờ vua, cờ tướng, bóng đá, bóng rổ, thể dục nhịp điệu, tin học với học phí dao động từ 130.000-350.000 đồng/học sinh/khóa, dành cho các đối tượng từ 4-15 tuổi. Nhà Thiếu nhi TP và trung tâm văn hóa ở các quận, huyện cũng tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt hè đa dạng để phụ huynh lựa chọn.

Anh Võ Minh Khôi, phụ huynh có con học lớp lá, Trường Mầm non 24B (quận Bình Thạnh) cho biết, điểm hạn chế của các lớp học năng khiếu là thường kéo dài từ 1 - 2 giờ, phụ huynh muốn lên lịch học cho con từ sáng đến chiều luôn vấp phải trở ngại đưa - đón.

“Giá như có nơi nào tổ chức học hè cho các cháu nguyên ngày hoặc trọn buổi sáng/buổi chiều sẽ tiện cho chúng tôi hơn trong việc đưa đón. Tuy nhiên, học liền 4 - 5 giờ như thế cũng sợ con mệt nên rốt cuộc lớp học mở ra tuy nhiều nhưng phụ huynh không có nhiều lựa chọn”, anh Khôi bày tỏ.

Học sinh cần được vui chơi kết hợp trau dồi kiến thức trong 3 tháng hè. (Hình minh họa).

Học sinh cần được vui chơi kết hợp trau dồi kiến thức trong 3 tháng hè. (Hình minh họa).

Thời điểm hiện nay, trên các diễn đàn webtretho, lamchame.com đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt topic có nội dung như “Cần tìm 2 bé học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ người Mỹ hiện đang dạy ở trường Á Châu”, “Nhà em ở quận Phú Nhuận, muốn tìm thêm bạn học vẽ cùng con để mời cô giáo về nhà dạy”…

Trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter, có phụ huynh còn chủ động lập ra các hội “cha mẹ tìm lớp vẽ cho con”, hội “tìm thầy giữ con dịp hè”… Theo đó, tất cả thành viên trong hội sẽ hùn tiền lại, thuê địa điểm và mời từ 1-2 cô giáo đến nhà vừa dạy chữ vừa kiêm luôn bảo mẫu trông giữ các em, đến chiều phụ huynh mới đón về.

Phó trưởng phòng GD-ĐT (yêu cầu không nêu tên) một quận vùng ven bày tỏ: “Đây là các lớp học thêm theo kiểu nửa học kiến thức nửa trông giữ trẻ gia đình. Nếu như trong năm học, chúng tôi kiểm soát rất gắt gao, yêu cầu các điểm giữ trẻ đăng ký giấy phép kinh doanh, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương không dạy thêm, học thêm của ngành giáo dục. Nhưng trong dịp hè, muốn dẹp cũng không được vì xuất phát từ nhu cầu có thật của phụ huynh. Nhiều điểm giữ trẻ lên đến 10-20 cháu nhưng hoạt động chỉ từ 15 ngày đến hơn 1 tháng nên quản lý cũng rất khó”.

Đặc biệt đối với nhóm trẻ từ 3-5 tuổi, lứa tuổi quá nhỏ chưa thích hợp tham gia các lớp học năng khiếu, trong khi thông báo kế hoạch hè của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, các trường công lập chỉ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 17-6. Dự báo đây sẽ là thời điểm phát triển rầm rộ các nhóm trẻ gia đình hoạt động theo thời vụ, sĩ số không ổn định.

Trong vai phụ huynh đang tìm chỗ gởi con, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, chủ một nhóm trẻ gia đình ở phường 16, quận Gò Vấp cho biết, giá giữ trẻ năm nay dao động từ 25.000-35.000 đồng/ngày/trẻ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. “Em đăng ký sớm mới còn chỗ, vài ngày nữa sĩ số lớp đông có cho thêm tiền chị cũng không thể nhận”, bà Hương căn dặn.

        Trường học kết hợp địa phương

Th.S Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh phải dựa trên 2 yếu tố, vừa kết hợp hài hòa công tác phụ đạo học sinh yếu kém, tổ chức sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh cho tất cả học sinh vừa đảm bảo nhu cầu được nghỉ ngơi chính đáng của các thầy cô giáo”.

Do đó, Sở GD-ĐT không bắt buộc các trường mở cửa thư viện, nhà thi đấu thể dục thể thao liên tục 7 ngày/tuần nhưng phải công khai lịch mở cửa hàng tuần để học sinh đến tham quan, học tập.

Trên cơ sở đó, ban giám hiệu các trường có nhiệm vụ thông báo, phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo sinh hoạt hè tại địa phương tổ chức thêm nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho học sinh giữa các trường giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng sống. Dự kiến, mức kinh phí hỗ trợ sinh hoạt hè năm nay là 37.000 đồng/học sinh, tăng so với năm học 2012-2013.

Ông Huy cho biết thêm: “Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7, Sở GD-ĐT TP sẽ cử đoàn kiểm tra xuống khảo sát, đánh giá chất lượng tổ chức sinh hoạt hè của các đơn vị. Trường hợp nào đã nhận kinh phí mà không tổ chức sinh hoạt sẽ bị nhắc nhở, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh. Đơn vị nào có kế hoạch sinh hoạt hè vượt quá định mức ngân sách cho phép có thể làm đơn xin cấp kinh phí bổ sung”.

Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng sinh hoạt hè hiện nay vẫn trông cậy vào sự chủ động, sáng tạo của các trường. Trong đó, vai trò tham mưu của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường hết sức to lớn. Đặc biệt, đối với học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, mơ ước được tận hưởng một mùa hè vui tươi, bổ ích vẫn xa vời đối với các em.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục