Theo thông tin từ Bộ GTVT, phần lớn các dự án PPP đều gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến tình trạng triển khai chậm, kém hiệu quả, gây xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ công, tạo dư luận tiêu cực về dự án PPP. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do phương thức đầu tư PPP chưa có luật riêng mà đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định Chính phủ và các luật khác.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đây chính là lý do khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông ngày càng khó khăn, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm nằm chờ vốn. Các nhà đầu tư không yên tâm khi bỏ vốn đầu tư, nhất là khi các dự án thường kéo dài từ 15-20 năm, mức độ rủi ro cao.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tại ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì có tới 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến. NHNN đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, các địa phương và Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn không xử lý được dứt điểm. Nếu không tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT hiện tại thì không thể khơi thông tín dụng cho các dự án về sau.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng cơ chế quan trọng nhất để thu hút được vốn là nhà đầu tư được Bộ GTVT và địa phương bảo đảm lộ trình thu phí. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế bảo lãnh, Nhà nước phải cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài.
GS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cũng đồng tình với ý kiến này và nhấn mạnh, trước đây quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công. Hiện nay, đã có những quy định quản lý khác, nhưng dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công về giá định mức, như vậy là rất khó.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cho biết, những vướng mắc mà đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp nêu tại hội thảo sẽ được xem xét, điều chỉnh trong dự thảo Luật PPP sắp được trình Quốc hội. Trong đó, điểm đáng chú ý là khâu thẩm định sẽ được siết chặt nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, hạn chế thực trạng thẩm định sơ sài, mang tính thủ tục, không đúng bản chất như trước đây.