Hãng tin Yonhap ngày 30-9 dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) dự báo, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sẽ tăng trưởng lần lượt 2,8% năm nay và 2,6% năm tới, trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đối mặt với một “thời kỳ suy thoái”. Các mức dự báo tăng trưởng này của HRI đều thấp hơn các mức dự báo của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đưa ra, theo đó tăng trưởng năm nay đạt 2,9% và năm 2019 đạt 2,8%.
Theo HRI, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ trì trệ trong năm tới, khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm đồng thời đầu tư và tiêu dùng yếu. Tiêu dùng cá nhân dự báo tăng trưởng 2,7% năm nay và 2,5% năm tới do các điều kiện thị trường lao động cải thiện chậm hơn dự kiến và lãi suất có thể tăng. Viện nghiên cứu trên cũng hạ dự báo tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư cơ sở sản xuất xuống còn 0,4% trong năm tới so với mức tăng 1,4% năm nay, chủ yếu do nhu cầu sản phẩm bán dẫn giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu chịu ảnh hưởng lớn nhất, khi dự báo xuất khẩu năm tới chỉ đạt mức tăng trưởng 4,8%, thấp hơn so với mức dự báo tăng trưởng 7,2% của năm 2018. HRI cho rằng, khả năng thị trường sản phẩm bán dẫn giảm và tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là những yếu tố góp phần khiến kinh tế Hàn Quốc giảm sút, theo đó, cơ quan này kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực cải cách cơ cấu để ứng phó.
Hàn Quốc được dự báo là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ hiện là hai đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc. Trong khi nhiều chuyên gia đề nghị Hàn Quốc cần giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ trong dài hạn đồng thời mở rộng quan hệ đối tác thương mại với các nước khác như Ấn Độ và các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, thì Bộ Thương mại Hàn Quốc vẫn đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại này tới xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo nhà kinh tế cao cấp người Hà Lan của Ngân hàng ABN Amro, Arjen van Dijkhuizen, các dữ liệu của Hàn Quốc cũng đang cho thấy bức tranh đầu tư xuất khẩu giảm do sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp về cuộc khủng hoảng Mỹ - Trung Quốc và chi phí hoạt động tăng do mức lương tối thiểu tăng. Để đối phó với tình hình nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút, Chính phủ Hàn Quốc chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho một số lĩnh vực độc lập. Theo đó, năm 2019 sẽ là năm hứa hẹn sự đầu tư quy mô của Chính phủ Hàn Quốc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của các lĩnh vực như big data, công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, năng lượng thay thế và năng lượng tái tạo, công nghệ tài chính…, trong đó trọng tâm nhất là công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo kế hoạch mới nhất, Chính phủ Hàn Quốc thông báo đã dành 5.000 tỷ won (4,4 tỷ USD) của ngân sách nước này cho chương trình “Tăng trưởng thông qua đổi mới”, tăng 65% so với chi tiêu ngân sách năm 2018.