Tiềm ẩn nợ xấu bất động sản, giao thông
Số liệu trên cho thấy, dư nợ tín dụng đang vượt xa so với tăng trưởng huy động vốn. Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM càng thể hiện rõ sự mất cân đối giữa huy động và cho vay. Cụ thể, đến cuối tháng 7-2017, huy động tại các tổ chức tín dụng TPHCM tăng 6,08% (so với cuối năm 2016) nhưng dư nợ tín dụng tăng đến hơn 11%. Mặc dù NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, dư nợ tín dụng phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất trên địa bàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng thực tế vốn vẫn chảy vào bất động sản (BĐS).
Số liệu trên cho thấy, dư nợ tín dụng đang vượt xa so với tăng trưởng huy động vốn. Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM càng thể hiện rõ sự mất cân đối giữa huy động và cho vay. Cụ thể, đến cuối tháng 7-2017, huy động tại các tổ chức tín dụng TPHCM tăng 6,08% (so với cuối năm 2016) nhưng dư nợ tín dụng tăng đến hơn 11%. Mặc dù NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, dư nợ tín dụng phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất trên địa bàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng thực tế vốn vẫn chảy vào bất động sản (BĐS).
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này 6 tháng đầu năm đã đạt gần 16%, gần “hết room” tín dụng của cả năm. Ông cũng thừa nhận: “Thị trường BĐS tiếp tục diễn biến khả quan đã góp phần tạo cơ hội tăng trưởng tín dụng cho hệ thống ngân hàng trong những tháng đầu năm”. Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của đơn vị đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Vietcombank không tập trung cho vay BĐS và luôn kiểm soát chặt rủi ro trong cho vay BĐS, nhưng với sự ấm dần của thị trường này, từ đầu năm đến nay Vietcombank vẫn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó có cho cá nhân vay mua nhà.
Theo công bố của NHNN, tín dụng BĐS hiện nay chiếm khoảng 8% tổng dư nợ (khoảng 450.000 - 500.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, tín dụng BĐS “ẩn náu” trong tín dụng tiêu dùng rất lớn. Thống kê từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng hiện nay khoảng 650.000 tỷ đồng, nhưng trong đó có khoảng 50% là vay mua và sửa nhà! Trong bối cảnh thị trường BĐS phục hồi nhưng thiếu bền vững, nợ xấu vẫn còn cao, không ít chuyên gia cảnh báo việc các ngân hàng tiếp tục đẩy vốn vào BĐS, đặc biệt là các dự án nhà ở cao cấp, các dự án trên giấy, sẽ khó tránh tình trạng bong bóng BĐS đi kèm nợ xấu quay lại như trước đây.
Các chuyên gia còn cảnh báo một rủi ro khác, đó là một dòng vốn tín dụng lớn vẫn đang tiếp tục đổ vào các dự án giao thông. Thực tế cho thấy các trạm BOT giao thông ngày càng bủa vây các thành phố lớn. Trong khi đó, khoảng 90% vốn của các dự án BOT, BT giao thông là vốn vay ngân hàng, và tín dụng đổ vào lĩnh vực này lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng (mỗi dự án vay lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng). Tín dụng trong lĩnh vực này đa số là trung và dài hạn, nên tín dụng giao thông đang là “tảng băng chìm” đe dọa nhiều ngân hàng.
Lùi thời điểm siết vốn ngắn hạn cho vay dài hạn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo ngành ngân hàng phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21%. Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu là có thể đạt được. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thì điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất cho vay và kiểm soát được chất lượng tín dụng. Trong bối cảnh tăng trưởng huy động hiện đang mất cân đối so với tăng trưởng dư nợ tín dụng, các ngân hàng vẫn đang chạy đua huy động tiền nhàn rỗi để chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Đó cũng là lý do lãi suất huy động liên tục tăng để hút vốn, ngay cả khi đang thực hiện chủ trương giảm lãi suất của NHNN.
Để giảm áp lực lãi suất, mới đây, NHNN dự kiến sửa đổi Thông tư 36/2014 theo hướng lùi thời hạn siết tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của tổ chức tín dụng sang đầu năm 2019 (lùi 1 năm). “Việc NHNN dự kiến sửa đổi Thông tư 36/2014 theo hướng lùi thời hạn siết tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng từ 50% xuống 40% sang đầu năm 2019, thay vì áp dụng theo lộ trình ban đầu là năm 2018, sẽ giúp các ngân hàng có thời gian cơ cấu lại nguồn vốn. Từ đó, giảm áp lực lên biến động lãi suất huy động của các ngân hàng, như đầu năm từng chứng kiến việc tăng lãi suất huy động cục bộ khi Thông tư 06 có hiệu lực”, một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Đây cũng là động thái nhiều ngân hàng mong đợi. Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết việc NHNN dự kiến sửa đổi Thông tư 36/2014 sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong việc đáp ứng nguồn vốn cho vay, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Tăng trưởng tín dụng không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9-2017 vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ngày 11-9, nhóm chuyên gia HSBC cho rằng, việc NHNN cắt giảm lãi suất trong tháng 7-2017 thể hiện rõ mục tiêu của Chính phủ về việc tăng trưởng GDP thông qua kênh tín dụng. Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% vào cuối năm 2017 là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng và theo thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Theo các chuyên gia HSBC, để đạt được chỉ tiêu mới trong tăng trưởng tín dụng, có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm. Bởi lẽ, việc phân bổ tín dụng hiện nay vẫn tiếp tục ưu tiên cho các ngành công nghiệp thiếu hiệu quả như bất động sản hay cho các doanh nghiệp (DN) nhà nước, mà không tập trung cho các DN nhỏ và vừa. HSBC cũng dẫn chứng những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng, các DN nhà nước hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các DN nhỏ và vừa.
Nghiên cứu của IMF cũng cho thấy các DN nhà nước được vay với lãi suất thấp hơn so với các DN tư nhân. Khảo sát của WB cũng chỉ ra rằng, chỉ có 29% DN nhỏ có một hạn mức tín dụng chủ động, trong khi các DN nhà nước và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.
Từ những kết quả trên, HSBC nhận định, tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân, nếu không được kiểm soát, có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
HẠNH NHUNG